Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho rằng, nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự kiện vô cùng quan trọng không chỉ đối với người làm nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc, mà còn có giá trị thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý nhà nước đối với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của Kiên Giang; góp phần bảo đảm chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, nghề sản xuất nước mắm thủ công truyền thống ở Phú Quốc là di sản văn hóa của người Việt mang đến đất đảo trong hành trình khai phá đất phương nam.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc không ngừng tăng lên cả số lượng và chất lượng.
Công đoạn từ đánh bắt cá cơm đến chế biến được cải tiến từ thủ công thô sơ đến hiện đại như ngày nay tạo ra sản phẩm đặc thù có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng người dân đảo Phú Quốc.
Hiện nay, nước mắm Phú Quốc không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
Trong quá trình hình thành và phát triển, công tác bảo tồn và phát huy truyền thống nghề làm nước mắm Phú Quốc luôn được Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, chính quyền và nhân dân quan tâm thực hiện, đặc biệt là công tác bảo vệ, phát triển thương hiệu dựa trên nền tảng bảo vệ chất lượng sản phẩm nước mắm đặc trưng Phú Quốc.
Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen 5 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”, tỉnh Kiên Giang.
Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc hiện có 54 hội viên là chủ nhà thùng, các cơ sở sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở hai phường Dương Đông và An Thới, thành phố Phú Quốc, có tổng cộng 7.009 thùng gỗ chượp cá; sản lượng hằng năm từ 20-30 triệu lít nước mắm 25 độ đạm trở lên…