Ngỡ ngàng vì con phải đi học xa nhà 5-7 km

Admin

TP HCMChị Hiền bất ngờ khi nhà cách trường THCS Nguyễn Hiền chỉ 500 m nhưng con lại được phân vào THCS Nguyễn Anh Ninh, cách 7 km.

Biết tin thành phố phân chỗ học theo địa chỉ cư trú thực tế, chị Hiền, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, đinh ninh con sẽ được học trường gần nhà.

Chị nhận định trong phạm vi 1 km quanh nhà có hai trường THCS là Nguyễn Hiền và Nguyễn Huệ nên sẩy trường này thì còn trường kia. Khi đăng ký trên hệ thống tuyển sinh, chị đánh dấu vào ô "chọn chỗ học theo nơi cư trú".

"Khi nhận kết quả, tôi và chồng chưng hửng, không hiểu sao gần nhà có tận 2 trường mà con lại phải vào nơi khác xa hơn", chị Hiền nói.

Phụ huynh làm hồ sơ nhập học tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, ngày 1/7. Ảnh: Phạm Hà

Phụ huynh làm hồ sơ nhập học tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, ngày 1/7. Ảnh: Phạm Hà

Anh Phương Tuấn ở quận 12 cũng bức xúc. Từ nhà ở phường An Phú Đông đến trường THCS Lương Thế Vinh chỉ 300 m nhưng con anh được phân vào trường Tô Ngọc Vân, cách hơn 5 km.

Kết quả tuyển sinh lớp 1, 6 được các phòng giáo dục công bố vào cuối tháng trước. Một số phụ huynh ở quận Tân Phú, Tân Bình, huyện Hóc Môn cho biết gặp tình cảnh tương tự anh Tuấn và chị Hiền.

Liên hệ với phòng giáo dục quận 12, chị Hiền được giải thích khu vực lân cận trường THCS Nguyễn Hiền và Nguyễn Huệ đều đông dân cư, chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nên địa phương ưu tiên học sinh có hộ khẩu thường trú gần đó. Gia đình chị Hiền chỉ có hộ khẩu tạm trú nên bị phân sang trường khác.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, năm nay thành phố mở rộng việc bố trí chỗ học theo địa chỉ cư trú thực tế của học sinh, với hai đợt.

Đợt 1 ưu tiên học sinh gần nhà, đợt 2 dành cho những em có nhu cầu vào trường không thuộc khu vực cư trú hoặc chưa có chỗ học.

Hệ thống GIS (bản đồ thông tin địa lý) sẽ tự động quét khoảng cách từ nhà học sinh đến các trường rồi chia thành hai nhóm. Những học sinh gần nhất được ưu tiên, đến khi trường nhận đủ chỉ tiêu. Những em còn lại được chuyển sang nhóm 2, phải sang học trường khác.

"Không phải em nào cũng vào được trường gần nhà nhất vì còn phụ thuộc khả năng tiếp nhận, địa bàn đông hay thưa dân. Ví dụ, một trường THCS có thể nhận 300 học sinh, mà khu đó có 350 em thì 50 học sinh ở xa hơn sẽ thuộc nhóm 2", ông Minh giải thích.

Ngoài ra, số ít học sinh phải đi học ở phường khác do gần nhà không có trường tiểu học hoặc THCS. Việc sắp xếp lại khu phố, ấp cũng khiến việc sắp xếp chỗ học với một số em chưa phù hợp.

Học sinh trường mầm non tham quan trường tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú, tháng 4. Ảnh: Thanh Thư

Học sinh trường mầm non tham quan trường Tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú, tháng 4. Ảnh: Thanh Thư

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, cho hay quận không thể tuyển sinh dựa vào bản đồ GIS hoàn toàn. Quận đang thiếu hàng nghìn phòng học, tỷ lệ học sinh được học hai buổi mỗi ngày chỉ hơn 20% ở bậc THCS và hơn 30% ở tiểu học. Trong khi, tỷ lệ chung của thành phố khoảng 70-80%.

Theo ông, căng thẳng nhất là việc sắp xếp chỗ học cho các em lớp 5 lên 6. Số này ở các trường trên địa bàn là hơn 8.000 nhưng thực tế lên tới 9.200 em.

"Nhiều em ở quận 12 nhưng học ở địa bàn khác. Khi phụ huynh chọn chỗ học theo nơi cư trú, hệ thống sẽ tự động đổ về quận 12, khiến số học sinh tăng lên", ông nói.

"Do đó, phòng giáo dục chỉ có thể đảm bảo sắp xếp đủ chỗ cho học sinh. Nhiều em phải đi xa vì trường gần nhà đã hết chỗ".

TP HCM hiện có khoảng 50.650 phòng học, đáp ứng hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non. Theo tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, thành phố có thêm 10.000-15.000 học sinh mỗi khối lớp. Thành phố thiếu đến 8.000 phòng, để đạt mục tiêu 300 phòng học trên một vạn dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi).

Chánh văn phòng Sở cho biết nếu chỗ học của con chưa hợp lý do việc sắp xếp lại khu phố, ấp, phụ huynh liên hệ với phòng giáo dục để được xem xét, điều chỉnh. Với những hoàn cảnh đặc biệt, ban chỉ đạo tuyển sinh cấp quận cần tạo điều kiện, sắp xếp chỗ học cho các em.

Nếu không hài lòng với kết quả tuyển sinh đợt 1, phụ huynh có thể không xác nhận, chờ tuyển đợt 2 vào giữa tháng 7. Tuy vậy, ông Minh khuyên các gia đình cân nhắc, bởi đợt 2 "căng" hơn vì còn ít chỉ tiêu, lại không thể quay lại trường cũ.

"Dù thế nào, ngành giáo dục cũng đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh. Tuy vậy, xét theo thứ tự ưu tiên thì một số em có thể phải đi học xa hơn một chút", ông Minh nhấn mạnh.

Dù không muốn nhưng chị Hiền buộc phải xác nhận cho con nhập học trường THCS Nguyễn An Ninh. Nếu không, chị lo đợt sau sẽ bị phân vào trường xa hơn nữa.

"Hai vợ chồng đành chấp nhận, sắp tới phải sắp xếp công việc để đưa đón, gọi cháu dậy sớm hơn để đi học rồi tính chuyện chuyển trường", chị nói.

Lệ Nguyễn

*Tên phụ huynh đã thay đổi