Ngoại giao văn hóa giúp Việt Nam và Pháp xích lại gần nhau

Vũ Xuân Kiên

Sau hai năm ngưng trệ do dịch bệnh COVID-19, hàng loạt hoạt động văn hóa đã được Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp triển khai thành công tại Pháp trong năm 2022.

Trong tiến trình hội nhập thế giới, ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và kinh tế, đồng thời cũng là một công cụ hữu hiệu nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

ttxvn-van-hoa-1672220284.jpg
Một buổi giới thiệu nhạc cụ dân tộc và trang phục truyền thống Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Nước Pháp được coi là một trong những điểm sáng về ngoại giao văn hóa của Việt Nam trong năm 2022.

Sau hai năm ngưng trệ do dịch bệnh COVID-19, hàng loạt hoạt động văn hóa đã được Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp triển khai thành công trong năm 2022.

Có thể kể tên các sự kiện đó như Triển lãm "Không gian di sản Hoàng thành Thăng Long" tại đô thị cổ Provins, "Theo dấu chân Bác" tại thành phố cảng Le Havre và Sainte-Adresse, "Khám phá lại Việt Nam" cùng Vietnam Airlines tại Paris, áo dài Việt Nam tỏa sáng trong Ngày hội Lãnh sự Lyon, Tết Việt Nam được tôn vinh tại chuỗi siêu thị Carrefour, Báo Nhân Dân thu hút khách trong Ngày hội báo Nhân đạo tại Essonne, Việt Nam và những người bạn trong Ngày Hội đoàn kết, hữu nghị tại Malakoff...

Phong phú, đa dạng và rộng khắp các vùng miền của nước Pháp, công tác ngoại giao văn hóa, kết hợp với ngoại giao chính trị và kinh tế của Việt Nam đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tới nhiều tầng lớp nhân dân và đối tác Pháp, góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa hai dân tộc trong năm 2022.

Là một trong hai Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ quảng bá văn hóa dân tộc tại Pháp và châu Âu.

Trung tâm đã chủ động kết nối với các Hội đoàn người Việt tại Pháp, các địa phương và các đối tác để tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc truyền thống, võ cổ truyền và quảng bá du lịch, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và giới thiệu ẩm thực dân tộc.

ttxvn-phap-1672220284.jpg
Khách tham qua Triển lãm tranh của Vua Hàm Nghi tại Nice. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Trong số các hoạt động được tổ chức trong năm 2022, có thể kể những sự kiện nổi bật như tham gia chương trình đón Tết Nhâm Dần do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức; phối hợp với Hội Aurore - Ánh sáng và Câu lạc bộ nhạc Jazz Bonz tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp triển lãm ảnh về di sản Việt Nam, giới thiệu trang phục và nhạc cụ dân tộc; tuyên truyền và quảng bá các ấn phẩm về du lịch Việt Nam tại địa bàn Pháp; giới thiệu văn hóa và ẩm thực Việt tại Ngày hội Pháp ngữ ở Yèbles.

Các sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với đông đảo công chúng tham gia.

Ngoại giao văn hóa không chỉ do các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp thực hiện mà còn được chính kiều bào Việt Nam tổ chức.

Với tình yêu, niềm tự hào và sự gắn bó với quê hương, nhiều cá nhân, hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại đây đã tổ chức các hoạt động văn hóa, đoàn kết, huy động được sự tham gia của đông đảo bà con và bạn bè Pháp.

Trong số đó phải kể đến Triển lãm tranh của Vua Hàm Nghi, Lễ hội Festival Ici Vietnam, chiếu phim tài liệu về âm nhạc Việt Nam "Once upon a bridge in Vietnam" của đạo diễn mang hai dòng máu Pháp-ViệtFrançoi Bibonne, tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt, võ cổ truyền, âm nhạc dân tộc cho các thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba, các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhân các dịp lễ hội truyền thống.

Các hội đoàn đoàn kết và hữu nghị với Việt Nam đã thường xuyên tích cực tham gia vào các ngày lễ hội đoàn của các địa phương Pháp tổ chức, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh, văn hóa Việt Nam.

an-vang-hoang-de-chi-bao-1672220284.jpg
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Đặc biệt, nói đến thành công của ngoại giao văn hóa, không thể không nói đến các nỗ lực đấu tranh, vận động trong một khoảng thời gian rất gấp rút, trên cơ sở phối hợp giữa Đại sứ quán và các bộ, ngành trong nước, nhất là các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để có thể đạt thỏa thuận rút ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" không đưa ra đấu giá tại Pháp trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, tiến tới triển khai bàn giao và hồi hương ấn vàng, đáp ứng lòng mong mỏi của dư luận nhân dân.

Qua kết quả này, cũng có thể thấy mạng lưới đối tác, bạn bè của Việt Nam tại Pháp rất rộng khắp, đã nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ để đạt được những kết quả mong muốn, góp phần giữ gìn di sản của đất nước Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết để đạt được những kết quả này, bên cạnh việc đổi mới phương thức tiếp cận đa dạng phong phú của Đại sứ quán, Trung tâm Văn hóa và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, phải kể đến sự tích cực của cộng đồng người Việt tại đây trong việc xây dựng cầu nối lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Pháp, bề dày truyền thống trong mối quan hệ Việt-Pháp với nhiều điểm tương đồng, cũng như đặc tính của nước Pháp và người dân Pháp luôn coi trọng, đề cao văn hóa và ưa thích khám phá các nền văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cũng cho rằng bên cạnh những thuận lợi kể trên, còn có rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua.

dai-su-gioi-thieu-truyen-thong-mam-ngu-qua-ngay-tet-1672220284.jpg
Đại sứ giới thiệu truyền thống mâm ngũ quả ngày Tết. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Ông chia sẻ: "Pháp là cái nôi văn hóa của thế giới nên việc duy trì lâu dài sức hấp dẫn là một thách thức lớn. Do đó cần đổi mới, sáng tạo cách làm, các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để giữ chân công chúng, đáp ứng được thị hiếu khó tính hơn và luôn biến động. Cũng cần có nhận thức và xác định rõ về hai nhóm đối tượng công chúng người Pháp và cộng đồng bà con kiều bào để thiết kể các sản phẩm phù hợp với thị hiếu công chúng."

"Hiện, chúng ta vẫn quá tập trung vào nét văn hóa cổ truyền, cần thêm những cái mới, đáp ứng người thưởng thức văn hóa nghệ thuật hiện đại hay thị hiếu của giới trẻ, để có thể khai thác được hết tiềm năng sáng tạo cũng như sự hưởng ứng, hỗ trợ đa dạng," Đại sứ nói thêm.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng đồng thời nhấn mạnh: "Ngoài ra, việc này cần có sự đầu tư tương xứng về cả về nguồn lực tài chính và con người. Những đầu tư này cần hết sức tập trung, tránh dàn trải, để có thể cho ra mắt công chúng những sản phẩm có chất lượng cao. Chúng ta phải đầu tư cho các đoàn sang biểu diễn nghệ thuật tại Pháp, đồng thời cũng phải đầu tư cho các thiết chế văn hóa mà chúng ta đã xây dựng và phát triển tại đây, trong đó có Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp."

Ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, chia sẻ thêm: "Quan hệ Việt Nam và Pháp đang ngày càng phát triển toàn diện trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa trong thời gian tới, cộng với việc có được một trụ sở khang trang và đầy đủ công năng của một thiết chế văn hóa tại nước ngoài sẽ là một điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch tại địa bàn Pháp."

ttxvn-phap-2-1672220284.jpeg
Thăm nơi Bác Hồ từng sống và làm việc tại thành phố Sainte-Adresse, một hoạt động của chương trình Theo dấu chân Bác Hồ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Tuy nhiên, để thực hiện thành công các nhiệm vụ trong tình hình mới, ông Nghiêm Xuân Đông cũng cho rằng với nguồn kinh phí có hạn, việc tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa có quy mô và sự tham gia của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Việc này cần có sự góp sức, chung tay của các nguồn lực xã hội hóa đặc biệt là các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế để tăng tính lan tỏa của các hoạt động, các chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam tại địa bàn Pháp nói riêng và địa bàn châu Âu nói chung.

Theo dự kiến, 2023 sẽ là một năm đặc biệt sôi động với hàng loạt hoạt động kỷ niệm, trao đổi, giao lưu về văn hóa nhằm chào mừng 50 năm Hiệp định Paris tiến tới hòa bình và độc lập dân tộc của Việt Nam, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Trên tinh thần này, nhiều hoạt động đã được lên kế hoạch, trong đó một loạt các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, thời trang, du lịch sẽ được khởi động ngay từ đầu năm như trình diễn áo dài, giới thiệu nhạc cụ dân tộc, triển lãm tranh thờ cúng của dân tộc Dao; gắn biển kỷ niệm ngày sinh của Alexandre de Rhodes - người khai sinh ra chữ Quốc ngữ; quảng bá, giới thiệu văn hóa du lịch, xúc tiến thương mại Việt Nam tại hai Hội chợ quốc tế Paris (tháng 4/2023) và Marseille (tháng 9/2023); kết nối với chính quyền các thành phố tổ chức các sự kiện giới thiệu văn hóa, quảng bá du lịch Việt Nam; duy trì sự tham gia vào các sự kiện như Ngày hội Lãnh sự tại Lyon, Festival Ici Vietnam tại quận 5 Paris, Hội báo Nhân đạo.

Các lễ hội truyền thống như Tết cộng đồng, Quốc khánh, Tết Trung Thu cũng được tổ chức với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng sẽ hỗ trợ các hội đoàn người Việt tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ, Tết cổ truyền, Tết Trung Thu không chỉ ở Paris mà cả các địa phương của Pháp.

khai-truong-trien-lam-anh-vufo-nhan-ngay-hoi-doan-doan-ket-voi-viet-nam-1672220284.jpeg
Khai trương triển lãm ảnh VUFO nhân ngày Hội đoàn đoàn kết với Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Công tác triển khai tổ chức giảng dạy và học tiếng Việt tại Pháp được đặc biệt chú trọng cùng việc tổ chức các lớp âm nhạc dân tộc, võ dân tộc cho con em cộng đồng người Việt và các bạn Pháp yêu Việt Nam, từ đó làm bàn đạp nhân rộng ra các địa phương khác ở Pháp./.