Người bệnh tiểu đường cẩn trọng với vết côn trùng đốt

Admin

Sau khi bị côn trùng đốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường rơi vào trạng thái sốc nhiễm khuẩn từ mô mềm bàn tay và cẳng tay trái gây biến chứng suy tim, suy thận cấp tính… Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ đối diện với tử vong.

nho-dieu-tri-tay-ong-n-dong-mai-lanh-lan-5342-1681973638.jpg

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường bị côn trùng đốt.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận ông T.T.N. (56 tuổi, Bình Định) trong tình trạng lơ mơ, khó thở, huyết áp tụt còn 80/50mgHg (bình thường 120/80mmHg), sốt 38,5 độ C.

Bệnh nhân bị côn trùng chích vào tay gây phồng rộp, hoại tử da, sốc nhiễm khuẩn. Lúc vào viện, vùng mu bàn tay và cẳng tay trái sưng đỏ như trái bắp chuối, lở loét, chảy dịch mủ, lốm đốm đen do da hoại tử.

Theo lời kể của gia đình, nhiều năm nay, ông N. uống thuốc và ăn uống ít tinh bột, nhiều rau xanh, đạm… theo hướng dẫn của bác sĩ. Thế nhưng, hơn 3 tháng trở lại đây, ông không uống thuốc đều đặn, thường ăn chè, bánh ngọt.

Cách nhập viện 1 tuần, đang đi trong sân, ông bị côn trùng chích vào cẳng tay trái. Ông nghĩ bình thường nên thoa dầu gió, ra tiệm mua thuốc về uống. Tuy nhiên, vết thương không lành mà mỗi lúc sưng tấy, đau nhức thêm, phồng rộp, hoại tử da.

Nhận định tình trạng bệnh nhân khá nặng, bác sĩ chuyên khoa II Lê Hồng Hải chỉ định truyền bồi hoàn nước điện giải, insulin và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để tiếp tục kiểm soát nhiễm trùng bằng kháng sinh, thuốc vận mạch.

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, ông N. được chuyển đến Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, tiếp tục theo dõi sức khỏe, chăm sóc vết thương.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Đông Hải, Khoa Nội tiết-Đái tháo đường đánh giá tình trạng vết thương nhiễm trùng ở tay của ông khá phức tạp, cần theo dõi sức khỏe liên tục và điều chỉnh liều thuốc phù hợp mỗi ngày. Song song đó, hàng ngày nhân viên điều dưỡng đo đường huyết, huyết áp, chăm sóc vết thương ở tay cho ông N.

Sau 10 ngày, vết thương đóng mài, lành lặn, không bị cắt bỏ tay. Sáng 17/4, ông N. được xuất viện sau 13 ngày điều trị.

Bác sĩ Trần Đông Hải cho biết, nguyên nhân hầu hết người bệnh đái tháo đường nhất là đường huyết không kiểm soát tốt, đều suy giảm hệ miễn dịch nên cơ thể suy yếu trước sự tấn công của virus, vi khuẩn.

Đồng thời, đường huyết không ổn định thường xuyên làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hạn chế máu đến nuôi các chi (tay, chân).

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết dễ bị bệnh thần kinh ngoại biên, dẫn đến không cảm giác được tổn thương khi có côn trùng chích, vật nhọn đâm vào.

Do đó, người bệnh tiểu đường khi bị bất kỳ vết thương nào như do côn trùng chích, vết trầy xước… hoặc viêm da, mụn nhọt nếu không kiểm soát đường huyết và chăm sóc vết thương đúng cách dễ bị nhiễm khuẩn, hoại tử, cắt cụt chi… thậm chí gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Hải khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên chăm sóc, vệ sinh kỹ bàn chân, bàn tay, không đi chân trần, chọn giày thoải mái, vệ sinh giày thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc.

Người bệnh cần dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, ăn nhiều chất xơ và protein (rau cải, xà lách, súp lơ, thịt, cá, trứng…), hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột (cơm, bún…), tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày để kiểm soát tốt đường huyết.

Khi bị côn trùng chích, vết trầy xước, tổn thương trên da nên vệ sinh bằng nước muối loãng. Nếu sau 1-2 ngày, vết thương không khô, không đóng mài nên khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết-đái tháo đường để đánh giá toàn diện đường huyết và tình trạng vết thương, từ đó có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời.