"Người dân, người lao động khao khát có nhà ở"

Admin

Theo ĐBQH, điều người dân bức xúc là người dân, người lao động khao khát có nhà ở nhưng rất nhiều nhà bỏ, để trống, nhiều dự án nhà ở bỏ hoang.

Tiếp tục phát triển thị trường nhà ở cho thuê

Ngày 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Tại phiên thảo luận, vấn đề về giá đất tăng cao, đầu cơ đất, thổi giá bất động sản, vấn đề nhà ở xã hội cũng như nhiều dự án nhà ở xã hội bị đình trệ hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi từ các ĐBQH.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin về việc xử lý các dự án bị đình trệ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn.

Ông Ngân phân tích, sau khi kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam ổn định được nền kinh tế vĩ mô, lãi suất thấp thì thị trường bất động sản Việt Nam từ 2014 trở đi phục hồi rất mạnh nhưng trong những năm gần đây là "đóng băng".

"Người dân, người lao động khao khát có nhà ở"- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 28/10 (Ảnh: Hoàng Bích).

"Người dân, người lao động khao khát có nhà ở nhưng rất nhiều nhà bỏ, để trống, nhiều dự án nhà ở bỏ hoang. Đây là vấn đề phải giải quyết", ông Ngân nói.

Theo đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh, vấn đề chống lãng phí không chỉ trong khu vực công mà cả khu vực tư. Ông cho rằng qua việc giám sát lần này phải giải quyết một cách căn cơ vấn đề hệ thống các nhà ở hiện nay, các dự án hiện đang bị "đóng băng". Quốc hội phải có Nghị quyết liên quan đến vấn đề này.

Vừa qua, Quốc hội đang thảo luận và soạn thảo để thông qua Nghị quyết liên quan đến việc cho phép xây dựng nhà ở thương mại trên đất mà không phải đất ở. Đây là giải pháp để tháo gỡ.

Đồng thời, chúng ta phải rà soát lại các dự án, xem nguyên nhân vì sao các dự án này không triển khai được. Nếu liên quan đến các vụ án thì cần xem xét đã xử lý chưa, nếu đã xử lý những sai phạm thì phải tiếp tục triển khai. Điều này vừa là chống lãng phí vừa đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân.

"Đối với người lao động, quan trọng nhất là họ mong muốn có nhà để ở chứ không phải mong muốn có sở hữu căn nhà. Bởi, thu nhập không thể đảm bảo được việc có dư để mua nhà nên họ muốn có căn nhà để ở, có điều kiện hồi phục sức khỏe để tiếp tục lao động. Vì vậy, cần tiếp tục phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân. Rất mong Chính phủ và địa phương dành nguồn đất ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động", ông Ngân nói.

Đồng thời, cần xem các dự án đang vướng ở đâu, nếu vướng thi hành án thì phải thi hành án thật nhanh, nếu vướng nguồn vốn thì phải giải quyết bài toán vốn.

Ông Ngân cho rằng, Chính phủ cần khắc phục những lỗ hổng; khắc phục những chênh vênh của thị trường. Bởi các vấn đề về bất động sản có sự liên thông với nhiều thị trường khác, nhiều mặt hàng khác.

Ngoài ra, ông Ngân cho biết vấn đề đầu cơ đất đai cũng cần có những giải pháp. Phải dùng những giải pháp về công cụ thuế để ngăn ngừa đầu cơ lũng đoạn, giống như chúng ta đã và đang làm trên thị trường chứng khoán.

Làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm

Trong buổi sáng nay, phát biểu trên nghị trường, ĐBQH Nguyễn Văn An (Đoàn Thái Bình) cho rằng, mặc dù báo cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc lớn trong việc định giá đất.

Tuy nhiên, các giải pháp liên quan đến định giá đất đưa ra trong dự thảo Nghị quyết còn mang tính chung chung, chưa đủ cụ thể để tháo gỡ các vấn đề thực tiễn.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải rà soát, hoàn thiện các giải pháp theo hướng cụ thể hơn, có mốc thời gian thực hiện rõ ràng để tháo gỡ các vướng mắc…

"Người dân, người lao động khao khát có nhà ở"- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Văn An (Ảnh: Media Quốc hội).

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc không hợp thức hóa các vi phạm để nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi pháp luật. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần lấy ý kiến của các cơ quan của Chính phủ và có hướng dẫn cụ thể về việc hợp thức hóa các vi phạm.

"Thực tế ở các địa phương sẽ rất là lúng túng vì không biết là thế nào là hợp thức hóa các vi phạm", ông An nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, đây mới là chủ trương chung chứ chưa có các định hướng cụ thể. Theo đại biểu, dự thảo Nghị quyết cần quy định thêm các nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua nhà ở xã hội để bán sang tay.

Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách Nhà nước để cho thuê… trong thời gian tới.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản...

Theo đại biểu, việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp.

"Người dân, người lao động khao khát có nhà ở"- Ảnh 3.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Ảnh: Media Quốc hội).

Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm và phải tìm cơ chế, chính sách để giải quyết ngay để giải phóng nguồn lực nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một vấn đề khó và phải cần được cụ thể hóa và sớm có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Đề nghị tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, cần phải xác định nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy không có vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với thực tiễn thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh như sung công hay là phá dỡ triệt để.

Còn nếu thực sự do pháp luật không phù hợp, cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý cũng cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt đến chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước.