Nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bất động sản là do vướng mắc từ các dự án

Admin

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Giá bất động sản chưa hạ nhiệt

Sáng 24/10, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường Bất động sản (BĐS), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và chỉ rõ biện pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bất động sản là do vướng mắc từ các dự án- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường Bất động sản

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của  dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí. Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.

Trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng quán triệt với các địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản thống nhất, thông suốt, “phân cấp mạnh cho địa phương nhưng chính sách, văn bản quy định, quy trình, thủ tục phải rõ”. Bộ Xây dựng đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, chương trình nhà ở cho người có công cần sửa chữa hoặc xây mới, bố trí phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2025.

“Đối tượng người có công phải được quan tâm, chú trọng khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chính sách hỗ trợ nhà ở mục tiêu, các địa phương đã hỗ trợ cho 19.468 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, đạt tỷ lệ khoảng 62,6% so với kế hoạch năm 2024; bố trí ổn định cho khoảng 21.000 hộ thuộc vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng; hỗ trợ được hơn 18.204 căn nhà cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 340.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2024 nguồn cung của thị trường bất động sản mặc dù có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn khá hạn chế. Cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn tập trung về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần.

Trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại TP. Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn...

Một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời...

Giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bất động sản là do vướng mắc từ các dự án- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi làm việc

Triển khai 622 dự án nhà ở xã hội

Nêu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết hiện tượng “tạo giá ảo”, thổi giá, đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm để trục lợi: “Để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu về thủ tục hành chính xây dựng, tín dụng ưu đãi, giá nguyên vật liệu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất”.

Trong khi đó, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản phải gặp nhau theo nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” để khơi thông thị trường bất động sản.

Với nhà ở xã hội, đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất làm nhà ở xã hội, có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn (hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn).

Tuy nhiên, mới có 83 dự án tại 63 tỉnh/thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án Chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

Bộ Xây dựng nhận định, cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách còn hạn chế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp, nhất là việc xác nhận các giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.