Nhu cầu vàng toàn thế giới chậm lại do giá cao

Admin

Nhu cầu vàng đầu tư trên toàn cầu đã chậm lại trong quý 2 trong khi nhu cầu vàng trang sức và OTC (không giao dịch qua sàn) ở một số thị trường trọng điểm vẫn tăng tốt.

Thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm giao dịch OTC) trong quý II/2023 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 920,7 tấn do các ngân hàng trung ương giảm tốc độ mua và tiêu thụ trong lĩnh vực công nghệ yếu.

Tuy nhiên, nhu cầu từ cả các nhà kim hoàn (chiếm khoảng một nửa nhu cầu vàng) và các nhà đầu tư (những người coi vàng thỏi là tài sản an toàn trong thời kỳ kinh tế thế giới bất ổn) vẫn ổn định, hỗ trợ giá kim loại này duy trì ở mức cao trong giai đoạn tháng 4-6/2023.

Nhu cầu vàng thế giới trong năm 2022 đã tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm nhờ việc các ngân hàng trung ương mua nhiều kỷ lục. Mặc dù giảm tốc độ trong quý II năm nay, song trong 6 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua 386,9 tấn vàng, nhiều hơn bất kỳ nửa đầu năm nào kể từ 2000. "Hoạt động mua vẫn phổ biến và được phân phối ở cả các nước mới nổi và phát triển," WGC cho biết.

Nhu cầu vàng toàn thế giới chậm lại do giá cao - Ảnh 1.

Nhu cầu vàng thế giới chia theo lĩnh vực.

Theo WGC, lượng mua vàng miếng và tiền xu tăng lên, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là động lực tăng trưởng chính, trong khi dòng tiền của các nhà đầu tư chảy khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng thỏi đang chậm lại. Dòng vàng chảy ròng khỏi các quỹ ETF trong quý II là 21 tấn (tập trung vào tháng 6), thấp hơn đáng kể so với 47 tấn của quý 2 năm 2022.

Tiêu thụ vàng trang sức tăng nhẹ, bất chấp giá vàng cao. Cụ thể, nhu cầu từ lĩnh vực trang sức tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 476 tấn. Với khối lượng chế tạo đồ trang sức là 491 tấn, lượng vàng tồn trữ tăng khoảng 15 tấn trong quý 2, một phần do mức tiêu thụ đồ trang sức của Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng lạc quan của ngành thương mại.

Đầu tư vàng thỏi và tiền xu tăng 6% trong quý II so với cùng kỳ lên 277 tấn, với Thổ Nhĩ Kỳ là động lực tăng trưởng chính. Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù bán ra để đáp ứng các điều kiện đặc biệt của thị trường địa phương, nhưng vẫn mua ròng 103 tấn trong quý II, phù hợp với xu hướng tăng giao dịch vàng giữa các ngân hàng trung ương.

Nếu tính cả giao dịch OTC (giao dịch trực tiếp giữa 2 bên không qua sàn giao dịch vàng), tổng nhu cầu vàng thế giới trong quý II/2023 tăng 7% lên 1.255,2 tấn.

Đầu tư vàng OTC tăng vọt trong quý II, đạt 335 tấn. WGC cho biết: "Mặc dù không rõ ràng, nhưng nhu cầu trên thị trường từ lĩnh vực này (giao dịch OTC) khá mạnh mẽ giúp giá vàng tìm được sự hỗ trợ mạnh mẽ, ngay cả khi các quỹ ETF rút tiền và giảm các giao dịch mua ròng trên sàn COMEX".

Năm nay, đầu tư vào vàng đang trên đà tăng do nhu cầu OTC mạnh bù đắp cho sự yếu kém trong giao dịch từ các quỹ ETF và lĩnh vực vàng thỏi và tiền xu đang chậm lại.

Nhu cầu vàng sử dụng trong công nghệ vẫn rất thấp do mặt hàng điện tử tiêu dùng tiếp tục yếu; nó được giữ ở mức chỉ 70 tấn trong quý thứ hai liên tiếp.

Tổng nguồn cung vàng cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 1.255 tấn, nhờ tăng trưởng ở tất cả các phân khúc. Sản lượng khai thác ước đạt kỷ lục trong nửa đầu năm là 1.781 tấn.

Trong bối cảnh thị trường vàng có dấu hiệu chững lại, nhu cầu vàng của Trung Quốc có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm nay nhờ các chính sách kích thích nhằm thúc đẩy tiêu dùng và việc các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.

Wang Lixin, Giám đốc điều hành của Hội đồng vàng thế giới ở Trung Quốc, cho biết nửa cuối năm là mùa cao điểm truyền thống về tiêu thụ trang sức vàng liên quan đến kỳ nghỉ lễ, điều này có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý.

Ngoài ra, việc Chính phủ đưa ra các chương trình kích thích kinh tế khác nhau tập trung vào tiêu dùng có thể góp phần vào sự tăng trưởng mua trang sức vàng.

Dữ liệu của WGC cho thấy, trong nửa đầu năm, nhu cầu vàng trang sức ở Trung Quốc tăng 17% so với cùng kỳ lên 328 tấn.

Tuy nhiên, giá vàng tiếp tục cao hoặc tăng cao hơn nữa có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu thụ trang sức trong nửa cuối năm, ông Wang nói.

Ngoại trừ ở Trung Quốc, nhu cầu vàng ở hầu hết các thị trường khác đều yếu đi trong quý II năm nay.

WGC dự đoán nhu cầu vàng của Ấn Độ năm 2023 có thể giảm 10% so với năm trước xuống mức thấp nhất trong 3 năm, do giá cao kỷ lục đang làm giảm lượng mua lẻ.

‎Lượng mua giảm ở quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới có thể hạn chế đà tăng giá toàn cầu. Nhu cầu nhập khẩu vàng giảm cũng có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Ấn Độ và hỗ trợ đồng rupee.

Somasundaram PR, giám đốc điều hành khu vực của các hoạt động tại Ấn Độ của WGC, cho biết: "Chúng tôi vẫn thận trọng về nhu cầu vàng vì nó phải đối mặt với những bất ổn do giá nội địa tăng cao và chi tiêu chậm lại". Ông cho biết nhu cầu có thể giảm xuống 700 tấn vào năm 2023 so với 774,1 tấn một năm trước.

Tiêu thụ vàng của Ấn Độ trong quý II/2023 đã giảm 7% xuống còn 158,1 tấn, do cả nhu cầu về trang sức và đầu tư đều giảm bởi giá nội địa tăng, đạt mức cao kỷ lục 61.845 rupee/10 gam trong tháng 4-6. Giá tăng đã khiến một số người bán đồ trang sức và tiền xu cũ của họ, dẫn đến nguồn cung phế liệu tăng vọt.

Dữ liệu cho thấy trong quý 6, nguồn cung vàng phế liệu đã tăng 61% so với một năm trước lên 37,6 tấn, cao nhất trong gần 3 năm.

Ông Somasundaram cho biết nạn buôn lậu vàng gia tăng do giá cao kỷ lục và kể từ khi New Delhi tăng thuế nhập khẩu đối với kim loại quý này vào năm ngoái.

Tại Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), giá vàng tiếp tục là một vấn đề đối với người mua sắm ở UAE khi nhu cầu trang sức giảm mạnh, giảm 20% từ tháng 4 đến cuối tháng 6 so với một năm trước.

Tổng cộng có 10,6 tấn đồ trang sức bằng vàng đã được bán ra ở UAE trong quý II/2023, so với 13,2 tấn trong quý II/2022, do giá vàng kẹt ở mức trên 1.950 USD/ounce.

Nhưng con số 10,6 tấn thể hiện sự cải thiện so với 9,7 tấn được bán trong 3 tháng đầu năm 2023, khi giá vàng ở mức gần 2.000 USD.

Tham khảo: Reuters