Những lỗ hổng pháp luật nhìn từ vụ việc xây cao ốc và quy hoạch nhà hát, bán đảo Quảng An

Trần Thu

Lần theo quá trình pháp lý của dự án Khu phức hợp thương mại cao tầng Tây Hồ View và quy hoạch bán đảo Quảng An - nhà hát trên Đầm Trị, chúng ta có cơ hội nhìn thấy những dấu hiệu chưa nhất quán với Luật Quy hoạch đô thị.

Đồng thời cũng nhìn thấy nhiều lỗ hổng pháp luật mà những nhóm lợi ích có thể trục lợi “một cách hợp pháp”, gây nhiều thiệt hại cho xã hội và rất nhiều bất công đối với người dân và cộng đồng trong khu vực quy hoạch.

Tiếp theo bài viết Đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị và quy hoạch bán đảo Quảng An: Xâm hại thô bạo vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất của Hà Nội” đăng trên Người Đô Thị ngày 15.7.2022, bài viết này tác giả sẽ phân tích một số vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý về quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đối với trường hợp bán đảo Quảng An và dự án nhà hát trên Đầm Trị.

Qua đó, cũng nhằm nhận diện những bất cập đang tạo ra các lỗ hổng pháp luật về quy hoạch có thể làm biến tướng chủ trương xã hội hóa, tạo ra những liên minh trục lợi chính sách, dẫn đến nhiều hệ luỵ nặng nề về sự bất công trong xã hội, mà vai trò của quản lý nhà nước cần sớm nhận diện để sửa đổi, hoàn thiện và thực thi đúng pháp luật.

Bán đảo Quảng An với giá trị cảnh quan độc đáo ba phía là mặt nước Hồ Tây. Ảnh: T.A.T


Quy hoạch bán đảo Quảng An - lần theo hành trình pháp lý

Quy trình pháp lý về quy hoạch và đầu tư xây dựng ở nước ta vốn phức tạp, cần qua nhiều bước, nhiều thủ tục, và hoàn toàn không dễ hiểu đối với đại bộ phận cộng đồng xã hội. Để độc giả thuận tiện theo dõi, tác giả tóm tắt một số mốc chính trong quá trình pháp lý về quy hoạch và cấp phép xây dựng liên quan đến bán đảo Quảng An như sau:

Ngày 8.8.2014: Quyết định 4177/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ Cận (A6) tỷ lệ 1/2.000. Quyết định này có một số nội dung:

Điều 4.2.2 Yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan - Thiết kế đô thị:

Đối với những khu đất giáp Hồ Tây (trong phạm vi từ mép hồ ra tối thiểu là 50m) khi xây dựng công trình cần đảm bảo các điều kiện sau:

- Tuyệt đối không được xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, mặt nước Hồ Tây.

- Khoảng lùi: Không xây dựng thêm công trình xung quanh Hồ Tây trong khoảng cách 16m từ mép hồ.

- Chiều cao công trình: Tối đa 12m, tương đương 3 tầng. Khuyến khích mật độ xây dựng thấp, tạo không gian trống có nhiều cây xanh xung quanh Hồ Tây…

Điều 4.2.4. Quy định kiểm soát về tầng cao và mật độ xây dựng:

Vùng 3: Khu vực trục không gian bán đảo Hồ Tây, cho phép xây dựng công trình cao tầng hai bên trục không gian, chiều cao thấp dần về phía Hồ Tây, mật độ xây dựng tối đa 40% (đối với khối cao tầng), chiều cao công trình cụ thể tuân thủ theo thiết kế đô thị của đồ án Quy hoạch phân khu.

Có hay không, những lỗ hổng lớn để các nhóm lợi ích vận dụng Pháp luật theo cách có lợi nhất cho họ và bất chấp sự phản đối của xã hội. Bẻ gãy vai trò của Quy hoạch - là công cụ Quản lý nhà nước để tạo thành công cụ dọn đường cho Doanh nghiệp trục lợi?

Thuyết minh đồ án Quy hoạch phân khu, phần Thiết kế đô thị tại Mục V.3.4 - Thiết kế đô thị đối với các chức năng trong đô thị, Điểm d - Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, các công trình điểm nhấn:

* Khu vực bán đảo Hồ Tây:

Các chỉ tiêu: (Không bao gồm các khu dân cư hiện có).

+ Mật độ xây dựng: Được xác định trên cơ sở các dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc được xác định trong bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất.

+ Tầng cao xây dựng: 3-25 tầng (được xác định theo đường khống chế cơ sở).

+ Đảm bảo tỷ lệ cây xanh trong các ô đất xây dựng công trình >30%.

- Nguyên tắc thiết kế:

+ Cho phép xây dựng công trình cao tầng hai bên trục không gian đối với các ô đất có quy mô phù hợp, đảm bảo khoảng lùi theo quy chuẩn xây dựng.

+ Chiều cao công trình tối đa 25 tầng (hiện có), thấp dần về phía hồ.

+ Các công trình tiếp giáp hồ xây dựng thấp tầng, bảo vệ cảnh quan cho khu vực, tuân thủ quy định quản lý xung quanh Hồ Tây.

Ngày 17.2.2017, S Quy hoch Kiến trúc thành ph Hà Ni có văn bn s 831/QHKT-TMB-PAKT chp thun bn v tng mt bng và phương án kiến trúc cho ô đt 58 đưng Tây H - tại vị trí thuộc ô quy hoạch ký hiệu O19-CCDT1, vi các ni dung:

Chc năng công trình: Khách sn, trung tâm thương mi, dch v và văn phòng, căn h (kiu khách sn) cho thuê.

- Tng din tích ô đt nghiên cu: 31.285m2, trong đó din tích đt lp d án: 30.816m2

- Din tích xây dng khi đế: 14.128m2, mt đ xây dng khi đế: 45,84%

- Diện tích xây dng khi tháp: 9.501m2; mt đ xây dng khi tháp: 30.83%

- Tầng cao công trình: 03-04-15-16-20-24-28-39 tầng và 3 tng hm.

Như vậy, văn bản chấp thuận này đã có ít nhất 2 điểm không nhất quán với Quyết định 4177 và Nội dung Quy hoạch phân khu: Vị trí 58 Tây Hồ không phải vị trí để bố trí công trình cao tầng, công trình điểm nhấn vì nó nằm sát hồ và cách xa trục không gian trung tâm; chiều cao lên đến 39 tầng cũng vượt quá nhiều so với chiều cao tối đa cho phép đối với công trình điểm nhấn là 25 tầng.

Ngoài ra, vị trí này được ký hiệu là O19-CCDT1 trong bản Quy hoạch phân khu, tức là ô đất có chức năng công cộng đô thị; nhưng lại được cấp phép là khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, căn hộ (kiểu khách sạn) cho thuê, tức là đất thương mại dịch vụ - một sự thay đổi mục đích sử dụng rất cơ bản so với Quy hoạch phân khu.

Các cao ốc đang xây dựng thuộc dự án Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View ở 58 đưng Tây H. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Ngày 5.9.2017: Cấp phép xây dựng cho công trình 58 Tây Hồ:

Lúc này, Quảng An chưa có Quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng công trình này vẫn được cấp phép. Việc này mâu thuẫn với Luật Quy hoạch đô thị (Điều 30, khoản 4: Đồ án Quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng), nhưng lại không vi phạm Luật này nếu xét theo Điều 71: Giấy phép quy hoạch.

Tức là khi chưa có Quy hoạch chi tiết 1/500 thì chính quyền (trường hợp này là UBND thành phố Hà Nội) vẫn có thể xem xét cấp giấy phép quy hoạch và cấp phép xây dựng cho công trình.

Có lẽ khi xây dựng điều này trong Luật Quy hoạch đô thị, cơ quan soạn thảo Luật đã dự liệu cho những tình huống cấp bách như cần xây dựng bệnh viện dã chiến trong thời kỳ dịch bệnh (không thể kịp đợi có Quy hoạch chi tiết thì mới xây) hoặc các tình huống khẩn cấp đặc thù khác. Tuy nhiên, việc áp dụng điều này cho một dự án đầu tư công trình phức hợp thương mại dịch vụ bình thường tại số 58 đường Tây Hồ là rất đáng đặt câu hỏi: Tại sao công trình lại được đi trước quy hoạch trong khi các công trình khác sẽ phải đợi có Quy hoạch chi tiết 1/500 mới có cơ sở để cấp phép? Tính cấp bách hay giá trị xã hội của nó ở chỗ nào?

Một công trình ở vị trí nhạy cảm như vậy đúng ra cần được nghiên cứu thấu đáo qua các bước đã được luật pháp quy định. Nếu hành xử đó không phải là việc vi phạm thì cũng là một lỗ hổng pháp luật mà cơ quan quản lý cần quan tâm bịt kín, để pháp luật không bị linh hoạt vận dụng khi chưa có đủ những cơ sở thuyết phục về chuyên môn.

Ngày 15.12.2017: Quyết định 8665/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An:

Theo quyết định này, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) là đơn vị tổ chức lập quy hoạch và chịu trách nhiệm tự bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết.

Điều này cũng không trái luật, nhưng lấy gì để đảm bảo rằng quy hoạch này không dẫn đến xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân sở tại, và toàn thể xã hội? Trên thực tế, hiện nay rất nhiều người dân sở tại ở Quảng An đang kịch liệt phản đối quy hoạch khi họ bị mất đất mất nhà. Đây cũng chính là lỗ hổng pháp luật. Nếu doanh nghiệp làm quy hoạch, tài trợ quy hoạch, tài trợ kinh phí lập quy hoạch (nhiều cách gọi nhưng bản chất không thay đổi) thì bất công, mâu thuẫn xã hội là không tránh khỏi. Tình trạng này không hiếm và xảy ra ở rất nhiều nơi trên cả nước.

Ngày 10.5.2021: Quyết định 2078/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực. Ở lần điều chỉnh này:

Xut hin ý tưng nhà hát trên Đm Tr - một vùng mặt nước tự nhiên có giá trị sinh thái và văn hoá - là không tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị (Điều 68, khoản 3: Không được lấn chiếm hồ, mặt nước tự nhiên hoặc thay đổi các đặc điểm địa hình khác,... gây ảnh hưởng xấu đến điều kiện tự nhiên và cảnh quan đô thị) và mâu thuẫn với Quyết định 4177, trong đó cũng khẳng định nguyên tắc này.

Vì ý tưởng làm nhà hát, Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 đã mở rộng mặt cắt các đường giao thông phục vụ nhà hát, dẫn đến giảm 1,69 ha đất công viên - cây xanh đô thị, giảm 1 ha mặt nước (chưa kể phần diện tích xây nhà hát - sẽ được cụ thể hoá ở bước sau), giảm 4,1 ha đất đơn vị ở (mà khu vực này không quy hoạch khu dân cư mới, tức là có thêm 4,1 ha dân cư hiện hữu phải di chuyển).

Công trình khu phức hợp thương mại cao tầng Tây Hồ View (quy mô vượt ngưỡng cho phép của Quy hoạch phân khu) nhưng đã được cấp phép nên đương nhiên được cập nhật vào Điều chỉnh Quy hoạch phân khu như sự việc đã rồi.

Cùng thời gian này, Tập đoàn Sun Group thông qua hai công ty trực thuộc là Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long và Công ty cổ phần Địa Cầu đã xây dựng và trình lên chính quyền thành phố Hà Nội đề án “Đầu tư dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá thể thao đa năng Quảng An”.

Ngày 22.6.2021: Văn bản 2661/KH&ĐT-NNS của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc lấy ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá thể thao đa năng Quảng An (đây là lần lấy ý kiến thứ nhất):

Cho đến thời điểm này, Tập đoàn Sun Group là chủ đầu tư khu phức hợp thương mại cao tầng Tây Hồ View 39 tầng, là đơn vị bỏ kinh phí và tổ chức lập Quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời thông qua Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long và Công ty cổ phần Địa Cầu đề xuất đầu tư dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá thể thao đa năng Quảng An.

Ngày 28.10.2021: Quyết định 4615/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh Quyết định 8665/QĐ-UBND:

Quyết định này thay đổi đơn vị tổ chức lập Quy hoạch chi tiết từ Sun Group thành UBND quận Tây Hồ, kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước.

Tại sao có việc “đổi vai” này sau gần 4 năm thực hiện? Nhằm mục đích gì khi mà Sun Group đã nắm quyền chủ động trong các khâu quan trọng ở bán đảo Quảng An? Đồ án mà UBND quận Tây Hồ tổ chức lập, rồi được phê duyệt, có gì khác với bản quy hoạch do tư nhân đã đề xuất? (Cũng cần thông tin thêm, trước thời điểm điều chỉnh, Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng ngày 18.5.2021 đã có chỉ đạo: “Công tác quy hoạch dứt khoát phải do nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch”).

Ngày 21.4.2022: Thông báo số 296/TB-KH&ĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội về việc giải quyết hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà hát Opera và Khu văn hoá đa năng Quảng An tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội:

Thông báo này có một kết luận là đề nghị trên chưa đủ cơ sở để tổng hợp thẩm định báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét theo quy định của pháp luật (do Quy hoạch chi tiết 1/500 chưa được phê duyệt và vẫn thiếu một số điều kiện cần thiết khác).

Tháng 7.2022: Quận Tây Hồ thực hiện công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ).

Từ việc công khai lấy ý kiến này, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, người dân mới tiếp cận được bản đồ án và thấy nhiều vấn đề cần góp ý, phản biện, trao đổi công khai.

Đồ án Quy hoạch chi tiết trưng bày tại bán đảo Quảng An, phục vụ lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư giữa tháng 7.2022. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Với quy trình pháp lý và các mốc cơ bản như trên, có thể nhận thấy:

Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ cao cấp, trung tâm thương mại Tây Hồ View:

Đã được cấp phép xây dựng với quy mô lên đến 39 tầng nổi cùng 3 tầng hầm là không tuân thủ nhiều nội dung trong Quyết định 4177 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ Cận (A6) tỷ lệ 1/2.000, trong đó vị trí này không phải là vị trí dành cho công trình cao tầng (với chiều cao tối đa chỉ là 12m, tương đương 3 tầng).

Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ cao cấp, trung tâm thương mại Tây Hồ View sau đó đã được giải thích là một “công trình điểm nhấn” để được hưởng các ưu đãi về tầng cao, nhưng Quyết định 4177 cũng chỉ cho phép tầng cao tối đa là 25 tầng và nằm ở vị trí hai bên trục chính đường vào bán đảo.

Thêm nữa, nếu muốn “danh chính ngôn thuận” cho một công trình điểm nhấn thì công trình này phải được tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, bởi theo Luật Quy hoạch đô thị (Điều 58, khoản 3): “Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa và vị trí quan trọng trong đô thị phải thi tuyển thiết kế kiến trúc”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là công trình này đã được Hà Nội tổ chức thi tuyển chưa? Những ai là hội đồng giám khảo? Nếu 9 tòa nhà theo công bố của chủ đầu tư (hình ảnh thực tế nhìn thấy là 11 tòa, với 2 tòa kép) cao ngất ngưỡng và đang bị dư luận xã hội bất bình, phê phán như là "biểu tượng của xấu xí, tham lam” phô diễn toàn bộ hình hài kiến trúc thô thiển trên nền trời, nền nước Hồ Tây là kết quả của một cuộc thi “công trình điểm nhấn” cho Hà Nội, thì đó phải chăng là một sự xúc phạm mỹ cảm của người dân Hà Nội; và những người có trách nhiệm, có liên quan đã làm tròn vai trò, trách nhiệm mà họ đảm nhận chưa? Vì lý do gì mà một công trình thiếu thẩm mỹ như vậy lại là điểm nhấn sừng sững trên đường chân trời Hồ Tây, Hà Nội?

Hình ảnh xây dựng thực tế của Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ cao cấp, trung tâm thương mại Tây Hồ View nhìn thấy là 11 tòa, với 2 tòa kép. Ảnh: TL


Quy hoạch chi tiết 1/500 bán đảo Quảng An và đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị:

Với diện tích được công bố 13.000m2, đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị là không đúng với Luật Quy hoạch đô thị (Điều 68, khoản 3 quy định: Không lấn chiếm hồ, mặt nước tự nhiên, gây ảnh hưởng xấu đến điều kiện thiên nhiên và cảnh quan đô thị).

Đến thời điểm này, đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị cũng đi ngược với Kế hoạch số 190/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 8.7.2022 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung “không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh”.

Việc bố trí khu văn hoá thể thao vui chơi giải trí (Nhà hát Opera và Khu văn hoá đa năng Quảng An) với các hoạt động đông người, các sự kiện thể thao, ca nhạc ngoài trời là không phù hợp với tính chất “văn hoá tâm linh” của khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian, gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn đối với Di tích lịch sử cấp Quốc gia - Chùa Hoằng Ân, là không tuân thủ Luật Di sản.

Nhìn chung, như đã phân tích ở bài trước, Quy hoạch chi tiết 1/500 có biểu hiện chưa tuân thủ theo quy định tại Điều 31, khoản 1 của Luật Quy hoạch đô thị: “Khi lập quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang đô thị phải đánh giá hiện trạng sử dụng đất, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, các yếu tố về văn hoá - xã hội, môi trường của đô thị, của khu vực lập quy hoạch để có giải pháp bổ sung, điều chỉnh hợp lý nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đô thị, bảo đảm yêu cầu sử dụng về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giữ gìn, phát huy được bản sắc, không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị”.

Với quy trình pháp lý lập quy hoạch ở nước ta nói chung, và trường hợp đang diễn ra ở Quảng An nói riêng, có thể thấy hệ thống pháp luật hiện nay đã không được thiết kế đầy đủ công cụ pháp lý để ngăn chặn nguy cơ hình thành các liên minh trục lợi từ chính sách quy hoạch, thông đồng để hiện thực hoá một mục tiêu lợi nhuận, bất chấp các huỷ hoại về môi trường, cảnh quan, văn hoá, xã hội và quyền lợi chính đáng của người dân sở tại.

Không khó để nhìn thấy đang có những lỗ hổng lớn để các nhóm lợi ích vận dụng pháp luật theo cách có lợi nhất cho họ và bất chấp sự phản đối của xã hội, bẻ gãy vai trò của quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước để tạo thành công cụ dọn đường cho doanh nghiệp trục lợi.

Khu vực Đầm Trị, nơi quy hoạch sẽ xây một nhà hát trên đầm. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn “Tư nhân hoá” đội lốt “Xã hội hoá”

Theo hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đã trình UBND thành phố Hà Nội, dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá đa năng Quảng An do nhà đầu tư là Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long và Công ty cổ phần Địa Cầu (trực thuộc Sun Group) lập tháng 6.2021, điều chỉnh và trình lần 2 vào ngày 19.1.2022 có những nội dung chính sau:

- Tên dự án: Khu văn hoá thể thao vui chơi giải trí phục vụ công cộng (Nhà hát Opera và Khu văn hoá đa năng Quảng An).

- Địa điểm thực hiện dự án: Khu đất dự án gồm các ô quy hoạch ký hiệu 19/CXDT-1a, 19/CXDT-1b, 19/CXDT-4, 19/P1 và ô đất giao thông nội bộ thuộc đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), phường Quảng An, quận Tây Hồ.

- Mục tiêu đầu tư: Tổ chức nhiều loại hình văn hoá, các dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí công nghệ cao, phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em và gia đình. Cụ thể: Hoạt động sáng tạo và giải trí, hoạt động vui chơi giải trí khác chưa được phân vào đâu, điều hành tour du lịch, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, bán lẻ sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm trong cửa hàng chuyên doanh, quảng cáo, bán lẻ hàng hoá khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh…

So với hồ sơ đề xuất đã được gửi xin ý kiến thẩm định lần 1, đề xuất của nhà đầu tư có một số nội dung sau:

- Mục tiêu dự án: đa mục tiêu, trong đó có bổ sung mục tiêu thương mại, du lịch, kinh doanh bt đng sn, quyền sử dụng đất thuộc về chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Như vậy, mặc dù tên dự án có cụm từ "phục vụ công cộng" nhưng chúng ta cần hiểu rõ cụm từ này không có nghĩa là dự án “phúc lợi xã hội” mà là dự án phục vụ đông người, mà càng đông người thì kinh doanh càng lãi.

Theo đề xuất, toàn bộ dự án sẽ do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long và Công ty cổ phần Địa Cầu đầu tư, khai thác, vận hành. Đề xuất mới nhất có bổ sung thêm mục đích "kinh doanh bất động sản". Thông tin báo chí đã công bố cho biết hai công ty này trực thuộc Tập đoàn Sun Group. Với tai tiếng đã từng xung đột lợi ích cộng đồng gây bức xúc dư luận (không cho người dân lên đỉnh Bà Nà bằng đường bộ. Nếu muốn lên Bà Nà chỉ có cách duy nhất là mua vé đi cáp treo), liệu bán đảo Quảng An sau quy hoạch có biến thành một công viên chuyên đề thuộc sở hữu của Sun Group? Sẽ vận hành như kiểu Bà Nà Hill?

Hồ Tây đã được Ủy ban Môi trường hồ quốc tế xếp vào danh sách 500 hồ cần được bảo tồn trên thế giới (ILEC, 2009). Ảnh: Tiến Tuấn


Khi nghe nói doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân “có tiềm lực mạnh, có tâm” đầu tư vào các công trình công cộng, xây nhà hát Opera, kiến tạo công viên công cộng thành phố thành công viên chuyên đề, hẳn là nhiều người sẽ dễ cảm kích và ngưỡng mộ. Chính sự lấp lánh của những diễn ngôn lòe loẹt, sáo rỗng trong đồ án, những phát biểu ủng hộ của chuyên gia thân hữu, những bài viết tự quảng bá dự án nhân danh vì cộng đồng đã che mờ đi một nguyên tắc thị trường đơn giản: khi tư nhân đầu tư thì họ sẽ thu phí. Đã thu phí thì tính “công cộng” cốt lõi của dự án không còn. Đã thu phí là loại bỏ quyền tiếp cận của những ai không có tiền chi trả. Cái gọi là inclusiveness (sự bao dung) không tồn tại trong cơ chế quy hoạch và đầu tư hiện nay.

Nếu chủ trương đầu tư dự án Nhà hát Opera và khu Văn hóa đa năng Quảng An thành hiện thực, đồng nghĩa Hà Nội mất đi một vùng cảnh quan duy nhất đậm bản sắc dành cho tất cả mọi người. Thay vào đó, là một công viên chuyên đề náo nhiệt do tư nhân chi phối. Đó vừa là một sự mất mát vừa là sự bất công.

Nhìn rộng hơn ra, hiện đang có sự nhập nhằng về nội hàm của khái niệm "công cộng" trong pháp lý quy hoạch - đặc biệt liên quan đến vấn đề đất đai. "Công cộng" về bản chất cần được hiểu là “của chung” (là tài sản chung, phục vụ chung) như công viên - vườn hoa công cộng, trường học công, bệnh viện công, các hạ tầng xã hội cùng các hạ tầng kỹ thuật nhà nước có trách nhiệm cung ứng từ tiền thuế thu từ xã hội, và người dân được quyền tiếp cận miễn phí hoặc với mức phí tượng trưng (được trợ giá).

Tuy nhiên, trong hệ thống pháp lý quy hoạch và vận dụng pháp luật vào thực tiễn quy hoạch ở nước ta hiện nay, "công cộng" được diễn giải đơn giản là "cho nhiều người" nên công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, bệnh viện tư, trường học tư, rồi công viên chuyên đề, tất cả do tư nhân đầu tư và thu lời cũng được xếp vào nhóm "công cộng", tính vào các tiêu chuẩn hạ tầng xã hội.

Hậu quả của sự nhập nhằng này dẫn đến hai vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng xã hội công ích thiếu, không được cung ứng, quản lý nhà nước dễ tránh né trách nhiệm. Thứ hai, chính quyền nhiều nơi quy hoạch và thu hồi đất nhân danh “phục vụ công cộng” nhưng thực tế là để giao cho các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân thực hiện đầu tư vận hành vì lợi nhuận.

Một số nhà dân trong khu vực gần Đầm Trị treo băng rôn phản đối dự án nhà hát. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Phương thức đó vẫn thường được gọi là “xã hội hoá” các dịch vụ công cộng nhưng thực chất chính là “tư nhân hoá” đội lốt, mà trường hợp quy hoạch ở bán đảo Quảng An là một nguy cơ khá rõ nét cần sớm được nhận diện để hoàn thiện pháp luật như yêu cầu trong Nghị Quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao: “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại…”.

Nếu chủ trương đầu tư dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá đa năng Quảng An thành hiện thực, đồng nghĩa Hà Nội mất đi một vùng cảnh quan duy nhất đậm bản sắc dành cho tất cả mọi người, thay vào đó là một công viên chuyên đề náo nhiệt do tư nhân chi phối. Đó vừa là một sự mất mát vừa là sự bất công. Người dân sở tại đang sinh sống hợp pháp chỉ có thể bị tái định cư để nhường chỗ cho những dự án an sinh xã hội, phúc lợi công cộng, chứ họ không thể bị mất nhà, mất đất, mất sinh kế gắn nhiều đời để nhường chỗ cho những cơ hội kiếm tiền, trục lợi của các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân.