Những trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2024

Admin

Trong khi nhiều trường đại học vẫn chưa hoàn thành kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2023 và đang xét tuyển bổ sung thì một số trường đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024.

Một số trường đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2024

Đại học Quốc gia Hà Nội

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 dự kiến có 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6-2024, tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật.

Kỳ thi sẽ tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Dự kiến kỳ thi năm 2024 có 75.999 lượt thí sinh dự thi. Trong đó, mỗi thí sinh được đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm. Thời gian đăng ký giữa hai ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (tính cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật). Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/lượt thi. Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính và kết quả thi cũng được máy chấm.

Năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển.

Giáo dục - Những trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2024

Ảnh minh họa.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Dự kiến Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy (TSA) trong năm 2024.

Đợt thi đầu tiên diễn ra vào ngày 2 và 3/12/2023 và đợt cuối vào ngày 15 và 16/6/2024. Các đợt thi đều diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Các đợt thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức tại 8 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.

Trường Đại học Nha Trang

Trường Đại học Nha Trang là cơ sở đào tạo đầu tiên công bố phương án tuyển sinh từ năm 2025.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo chia sẻ, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và xét tuyển vào Đại học. Vì vậy việc công bố phương hướng tuyển sinh từ sớm là trách nhiệm xã hội của nhà trường, giúp học sinh có định hướng học tập. Nếu các trường không công bố phương hướng sớm, các em sẽ học lệch.

Trường Đại học Thương mại

Trường Đại học Thương mại dự kiến năm 2024 đưa vào tuyển sinh 8 chương trình theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.

Trong 8 chương trình gồm: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh); Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn);

Marketing thương mại (ngành Marketing); Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB - ngành Kế toán); Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính – Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính – Ngân hàng); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực).

Đặc biệt, từ năm 2024, trường Đại học Thương mại đưa thêm 2 chương trình đào tạo chuẩn gồm: Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính – Ngân hàng); Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử).

Tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp

Báo Đại Đoàn Kết dẫn nguồn thống kê của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), mùa tuyển sinh năm 2023, trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển 2,76 nguyện vọng. Số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chiếm 32,2%. Thực tế này là cảnh báo để các trường điều chỉnh công tác tuyển sinh ở những năm sau. Ngoài ra, số thí sinh được tuyển thẳng xác nhận nhập học đạt hơn 30%. Điều này cho thấy thí sinh còn những lựa chọn khác.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. Việc xét tuyển sớm cũng làm gia tăng thí sinh ảo.

Tước đó, tại hội nghị về công tác tuyển sinh 2024 vừa rồi, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018. Cụ thể, hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên cần gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới.

20 phương thức xét tuyển trong mùa tuyển sinh đại học năm 2023

Thông tin trên VTV theo hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, Bộ đã công bố danh mục mã xét tuyển của 20 phương thức tuyển sinh do bộ quy định.

Cụ thể, danh mục mã các phương thức xét tuyển như sau:

Giáo dục - Những trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2024 (Hình 2).

Năm 2022, có khoảng 18 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỉ lệ nhập học lên đến gần 48%, phương thức xét tuyển theo học bạ chiếm 37,18%. Tổng số thí sinh nhập học bằng hai phương thức này là trên 85%. Trong khi đó, nhiều phương thức có tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp, dưới 1%, thậm chí có phương thức không có thí sinh nào nhập học.

Giáo dục - Những trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2024 (Hình 3).

Tỉ lệ nhập học theo các phương thức xét tuyển đại học năm 2022.

Trúc Chi (t/h)