Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý giáo dục đại học tư thục

Admin

Việc một số cán bộ lãnh đạo, giáo viên các trường thời gian qua bị tố cáo vì chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định khi bổ nhiệm, nắm giữ vị trí... cho thấy công tác quản lý, giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc.

Gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục

Trong xu thế phát triển giáo dục hiện nay, vai trò của các trường đại học tư thục ngày càng được khẳng định. Tại Việt Nam, việc phát triển giáo dục đại học tư thục gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Nếu năm 1987 cả nước mới chỉ có 63 trường đại học và chưa có trường đại học tư thục nào thì đến hết tháng 12/2022, cả nước có 60 cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư 100% trong nước, trong đó nhiều nhất là khu vực Đồng Bằng Sông Hồng (22 cơ sở, gồm cả Hà Nội có 12 cơ sở).

Đứng thứ hai là vùng Đông Nam Bộ có 19/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục, bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh có 12/19 cơ sở giáo dục đại học.

Song hành cùng sự phát triển, các văn bản pháp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận, hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý giáo dục đại học tư thục qua từng thời kỳ.

Năm 1988, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề đã có Quyết định số 1687 ngày 15/12/1988 thí điểm triển khai mô hình đại học tư thục tại Trường Đại học Thăng Long. Tiếp theo, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 240 về Quy chế đại học tư thục.

Năm 1998, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục, và sau đó để hướng dẫn Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43 ngày 30/8/2000. Đây là những văn bản chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các trường đại học tư thục phát triển.

Đặc biệt, năm 2012, Luật Giáo dục đại học ra đời, quy định ba nhóm nội dung tác động mạnh đến đại học tư thục.

Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Điều lệ trường đại học, áp dụng đối với trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (gọi chung là trường đại học) thuộc các loại hình công lập, tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý giáo dục đại học tư thục- Ảnh 1.

Việc phát triển giáo dục đại học tư thục gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Ngày 19/11/2018, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành, áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học, tổ chức và cá nhân có liên quan đến giáo dục đại học.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo đó, các văn bản pháp lý này quy định rất rõ điều kiện thành lập, hình thức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Đặc biệt, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến: loại hình, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của nhà đầu tư, hội đồng trường, ban giám hiệu, vai trò của các cơ quan quản lý… tại các Điều 7, 16, 16a, 17, 20, 68, 69…

Tại Hội nghị nhà đầu tư, Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học tư thục trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17/12/2022, cho biết trong quá trình hoạt động vẫn còn có một số cơ sở giáo dục đại học tư thục chưa có định hướng rõ về mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động, chưa thực hiện việc rà soát và kiện toàn thành viên Hội đồng trường, chưa chú trọng việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ giảng viên, chưa triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo quy định…

Giáo dục là ngành đặc thù, đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, mỗi cán bộ, giáo viên công tác trong ngành ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định pháp luật, đồng thời phải thỏa mãn yêu cầu theo quy định của các luật dành riêng cho ngành.

Tuy nhiên, việc một số cán bộ lãnh đạo, giáo viên các trường thời gian qua bị tố cáo vì chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định khi bổ nhiệm, nắm giữ vị trí; thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật… cho thấy công tác quản lý, giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc.

Mặc dù các văn bản pháp luật đã có quy định, hướng dẫn rất cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các trường đại học (trong đó có hệ thống đại học tư thục), vai trò quản lý giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, nhưng những vi phạm này lại không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện; hoặc sau thời gian rất dài mới bị phanh phui.

Quy định pháp luật với góc nhìn thực tiễn việc bổ nhiệm cán bộ

Trường hợp cụ thể, ngày 26/02/2024, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc ký ban hành Quyết định số 23 về việc tiếp nhận và bổ nhiệm bà Đ.T.B.T. giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, kiêm Chánh Văn phòng Trường Đại học Kinh Bắc chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, cũng như Quy chế Nhà trường.

Theo thông tin phản ánh được gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ nội dung đơn nêu, bà T. là người có tiền án, tiền sự.

Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý giáo dục đại học tư thục- Ảnh 2.

Công tác quản lý, giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc.

Cụ thể, ngày 17/8/1992, bà T. bị Công an quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân"; ngày 29, 30/01/1996, bà T. bị TAND Tp. Hà Nội ra Bản án số 135 phạt 30 tháng tù về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài"; ngày 13/11/2023, bà T. bị Công an quận Đống Đa, Tp. Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác".

Theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kinh Bắc được ban hành kèm theo Quyết định số 03 ngày 15/8/2020 của Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc, tại khoản 1, 2 Điều 14 Quy chế quy định:

"Điều 14. Phó Hiệu trưởng quy định: 1. Trường có không quá 03 Phó Hiệu trưởng do Hội đồng Trường bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hiệu trưởng. Phó Hiệu trưởng là người giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường.

2. Phó hiệu trưởng phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sức khỏe tốt; có uy tín và năng lực quản lý, có trình độ tiến sĩ. Trường hợp không có đủ người có trình độ tiến sĩ thì có thể bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ, nhưng không giao phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ".

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Trường, tại Điều 8 Quy chế quy định:

"2. Hội đồng Trường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau: Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của Trường; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên và người lao động theo đề xuất của Hiệu trưởng, phù hợp với quy định của pháp luật"; quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trên cơ sở tiêu chuẩn, phương án nhân sự được Công ty TNHH Chân-Thiện-Mỹ thông qua…".

Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, Điều 17 quy định Hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, như sau:

Hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện trách nhiệm và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này, trừ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16a của Luật này; được trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, khoản 2 Điều 16 quy định: "Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học".

Qua đó cho thấy, quy định pháp luật cũng như Quy chế của Trường Đại học Kinh Bắc quy định rất rõ tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm đối với chức danh Phó Hiệu trưởng.

Liên quan đến nội dung bổ nhiệm bà T. đảm nhận chức danh Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Văn Hòa - Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh Bắc cho biết, việc bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng do Hội đồng Trường quyết định, Ban Giám hiệu chỉ phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo.

Như vậy, chức năng, vai trò, thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương đã được pháp luật quy định rất rõ, trong đó vấn đề kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế việc này chưa được tiến hành một cách đồng bộ theo quy định.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 quy định:

Điều 68. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đại học của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục đại học.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học và có trách nhiệm sau đây: Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục đại học.

Điều 69. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đại học của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ; hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục đại học tại địa phương; thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương".

Khánh Linh