Địa hình Lý Sơn dạng bát úp, nước mưa chảy tràn ra biển nên ít bổ sung cho nguồn nước ngầm; trong khi đó, túi nước ngầm lại bị khai thác quá mức khiến nguồn nước trên đảo suy kiệt và ngày càng bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Khai thác quá mức
Mùa khô hạn ở Lý Sơn diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm. Trong khoảng thời gian này, có năm nhiều tháng liền, trên đảo không có cơn mưa nào khiến cả đảo khát khô. Để tìm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, người dân trên đảo đua nhau khoan, đào giếng dẫn đến số giếng nước ở Lý Sơn tăng nhanh. Nếu như năm 2014, toàn huyện chỉ có 546 giếng thì hiện tại đã tăng lên 2.149 giếng (939 giếng đào, 1.088 giếng khoan thủ công và 122 giếng khoan máy) với tổng lượng nước khai thác, sử dụng khoảng 21.779m3/ngày đêm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng, chính việc khai thác nước ngầm quá mức, vượt ngưỡng trữ lượng cho phép hơn 6.000m3/ngày đêm khiến nguồn nước ngọt trên đảo ngày càng cạn kiệt, gây nhiễm mặn và ô nhiễm tầng chứa nước ngầm. Đáng lo ngại, tình trạng nhiễm mặn lan sâu vào đảo, cho nên nhiều khu vực trên đảo chưa từng thiếu hụt nước hay bị nhiễm mặn thì nay đã không có nước hoặc đã bị nhiễm mặn. Theo kết quả quan trắc, hiện trên địa bàn đảo Lý Sơn, tính độ sâu từ 25-38m trở xuống, nước dưới đất đã bị nhiễm mặn hoàn toàn; theo chiều ngang thì tình trạng xâm nhập mặn đã ăn sâu trung tâm đảo 2km.
Thôn Tây An Vĩnh là khu vực chịu nhiễm mặn nặng nhất trên đảo với gần 1.300 hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước ăn uống hằng ngày, nhiều hộ gia đình phải xử lý nước nhiễm mặn bằng máy lọc nước hoặc mua nước đóng bình về dùng. Ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Tây An Vĩnh cho biết: “Mấy năm nay, giếng nước của gia đình tôi bị nhiễm mặn, nước rất mặn. Do vậy, nguồn nước giếng chỉ để giặt giũ, còn nấu nướng thì phải mua nước đóng bình, mỗi tháng tiết kiệm hết mức cũng tốn 4-5 trăm nghìn đồng”.
Trong khi mực nước ngầm ở Lý Sơn ngày càng suy giảm kéo theo xâm nhập mặn thì hai công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung chưa phát huy tốt hiệu quả. Cụ thể, hệ thống cấp nước trung tâm huyện được đầu tư xây dựng năm 2016, công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân nhưng công suất hoạt động trên thực tế chỉ có 147m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân. Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo bé An Bình được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất theo thiết kế 200m3/ngày đêm; thực tế hoạt động đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân.
“Để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho sản xuất hơn 300ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hơn 22 nghìn dân trên đảo cùng du khách ra đảo tham quan trong mùa hè là bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết.
Giải “cơn khát” cho đảo
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng, hiện trạng các công trình cấp nước (bao gồm công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ từng hộ gia đình) trên huyện đảo chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nước của người dân. Do vậy, giải pháp trước mắt mà Sở khuyến cáo đối với huyện Lý Sơn là phải tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí nước do công tác quản lý, vận hành gây nên.
Trong đó, việc quản lý tưới cho sản xuất nông nghiệp từ công trình hồ chứa nước Thới Lới phải hết sức tiết kiệm thông qua hình thức tưới phun mưa, nhỏ giọt (tránh sử dụng hình thức tưới ống chảy tràn trên mặt) để dành nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm với phương châm “mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng đối với người dân huyện đảo”; khuyến khích các nhóm hộ dân có điều kiện về kinh tế nên liên kết đầu tư thêm các bể trữ nước mưa (dạng bạt không thấm, có quy mô chứa từ 10m3 đến 50m3) để dùng cho sinh hoạt, góp phần hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm trong quá trình sử dụng nước; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cấp nước hiện có để phát huy tối đa công suất thiết kế, bảo đảm tuổi thọ cho công trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn (do huyện làm chủ đầu tư), sớm đưa vào khai thác sử dụng để bổ sung nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, xây dựng phương án khai thác nước mặt theo phương pháp đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trữ nước mưa. Qua tính toán sơ bộ cân bằng nước mặt của huyện Lý Sơn với hơn 10km2 diện tích lưu vực thì trữ lượng nước mặt (từ nước mưa tự nhiên) vào khoảng 9 triệu m3, sau khi trừ đi lượng bốc hơi, thấm, lượng nước chảy tràn trên bề mặt đảo, còn lại vào khoảng 3 triệu m3.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phần diện tích sản xuất nông nghiệp cần khoảng hơn 1triệu m3, gồm 600 nghìn m3 nước thô dùng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy sản và 400 nghìn m3 nước (thông qua hệ thống xử lý nước) để dùng cho sinh hoạt và phát triển dịch vụ, du lịch.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng, các đơn vị tư vấn cũng tính toán đến xử lý nước biển thành nước ngọt song phương án này không khả thi bởi người dân phải chi trả chi phí quá cao, khoảng 150 nghìn đồng/m3.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh chung quanh đảo để thu gom vào các bể trữ tập trung, khoảng 1 triệu m3, với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng là hết sức cần thiết nhằm phục vụ cấp nước lâu dài, ổn định cho huyện Lý Sơn. Dự kiến quý II/2023, Sở sẽ đề xuất giải pháp kỹ thuật, nguồn kinh phí công trình thu gom và trữ nước mặt để tỉnh xem xét chủ trương đầu tư.