Ngày 5/12, tại Đại học Ngoại thương đã diễn ra Hội thảo Đào tạo thương mại điện tử 2023 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức. Tại hội thảo, VECOM đã công bố Báo cáo về đào tạo thương mại điện tử 2023.
Phó Chủ tịch VECOM Bùi Trung Kiên cho biết, từ năm 2022, VECOM đặt ưu tiên trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học triển khai hoạt động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử.
Cuộc khảo sát từ tháng 8 - 10/2023 tại 238 cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là trường đại học) cho thấy, đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122.
Ông Bùi Trung Kiên cho biết, theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra mục tiêu, tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử và 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
“Nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường Đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp, mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục Đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi”, ông Kiên đánh giá.
Tuy nhiên theo phân tích của ông Kiên, mục tiêu về số lượng có thể đạt được, nhưng chất lượng đào tạo thương mại điện tử từ mức học phần tới chuyên ngành và đặc biệt là ngành còn chưa cao. Thực tế hiện chưa có chính sách khuyến khích giảng dạy lĩnh vực thương mại điện tử nào được ban hành hay đang dự thảo. Ngay trong Quyết định 645 cũng không nêu rõ cơ quan, tổ chức nào chủ trì triển khai nhiệm vụ đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử. Tới cuối năm 2023, hầu như chưa có hoạt động nào được triển khai.
“Trên thực tế các trường Đại học đều cố gắng mời các doanh nghiệp thương mại điện tử uy tín góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, kiến tập của sinh viên… Tuy nhiên, do từng trường triển khai riêng lẻ, còn doanh nghiệp phải ưu tiên nguồn lực cho kinh doanh nên kết quả triển khai nhiệm vụ này còn khá thấp”, ông Kiên nêu.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quyết định cho việc phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách cho đào tạo thương mại điện tử chưa đủ mạnh. Một phần do chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, các trường đại học, tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa nắm vững các chủ trương và quy định đã ban hành.
Từ thực tế trên, VECOM khuyến nghị các trường bổ sung nội dung đào tạo pháp luật liên quan tới thương mại điện tử.
Chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử nên có các học phần liên quan tới tiếp thị số, thanh toán trực tuyến, logistics với số tín chỉ hợp lý.
Mỗi trường nên có chương trình đào tạo với sự độc đáo, khác biệt. Như trường có thế mạnh về kinh tế - thương mại quốc tế nên tăng cường môn thanh toán quốc tế, hải quan, xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới. Các trường mạnh về kinh tế - thương mại trong nước có thể chú trọng môn học về thương mại xã hội, logistics số…
Mặt khác, các trường đại học nên nhanh chóng công bố chương trình đào tạo nói chung và ngành thương mại điện tử nói riêng. Việc công khai này giúp các trường tham khảo chương trình đào tạo của nhau, từ đó sửa đổi để tạo ra sự đặc sắc, khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh khi tuyển sinh.
Minh Hoa (t/h theo VOV, Kinh tế & Đô thị, Hà Nội mới)