Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Hoàng thành Thăng Long và thành cổ Cổ Loa

Admin

Do những giá trị đặc biệt của Hoàng thành Thăng Long và thành cổ Cổ Loa, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bảo tồn, phát huy giá trị 2 khu di tích. Trong đó, sẽ sớm đầu tư xây dựng đền thờ Ngô Quyền (thành cổ Cổ Loa); chuẩn bị các điều kiện để tái dựng điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long).

co-loa-8329-1681872154.jpg

Các em học sinh đến học tập, tìm hiểu về di tích thành Cổ Loa.

Ngày 18/4, Ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa đã họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án tại 2 khu di tích.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và thành cổ Cổ Loa. Thành phố chấp thuận chủ trương và thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân thành phố đã có các nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công với 4 dự án gồm: Dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long và 3 dự án tại thành cổ Cổ Loa, gồm: Dự án Tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền An Dương Vương, giếng Ngọc; Dự án Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; Dự án xây dựng đền thờ Vua Ngô Quyền. Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 3 dự án: Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao (Giai đoạn II); Tái hiện không gian và chính Điện Kính Thiên (hạ giải Nhà Cục Tác chiến, nhà Con Rồng); Bảo tồn phục phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại khu di tích Cổ Loa…

Tuy nhiên hiện nay, một số dự án đang vướng mắc trong trong chuẩn bị lập dự án đầu tư, triển khai đầu tư cũng như gặp những vướng mắc về công tác quản lý. Cụ thể, việc Bộ Quốc phòng bàn giao khu vực hiện nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự; việc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội bàn giao các hiện vật khai quật khảo cổ diễn ra chậm hơn dự kiến; 7 hộ gia đình tại khu nhà số 28 phố Điện Biên Phủ (nằm trên đất của khu di sản Hoàng thành Thăng Long) chây ỳ, không chịu di dời dù thành phố đã thực hiện những ưu đãi tối đa.

Đối với việc tái dựng không gian và điện Kính Thiên, dù đã có nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng, nhưng hiện vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu phục vụ cho tái dựng. Để bảo đảm việc tái dựng khoa học, sát với nguyên gốc, cần tiếp tục khai quật khảo cổ; đẩy mạnh nghiên cứu; báo cáo với UNESCO về đánh giá tác động của tái dựng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung.

Đối với dự án xây dựng đền thờ Vua Ngô Quyền tại di tích Cổ Loa, các nhà khoa học cùng Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh đang nghiên cứu những vị trí có thể xây dựng đền thờ. Song, thành cổ Cổ Loa là Di tích quốc gia đặc biệt, nên việc chọn vị trí phải bảo đảm được các yêu cầu như: không chèn lấp lên các yếu tố gốc của di tích, sự trang trọng tôn nghiêm đối với vị Vua có công khởi dựng nền độc lập của dân tộc sau 1000 năm Bắc thuộc… Hiện nay, đã có kết quả bước đầu về khảo cổ, cần có kết quả chính thức mới có thể “chốt” vị trí.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng.

Đồng chí chỉ rõ, đối với Dự án tái hiện Điện Kính Thiên, việc triển khai thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc dựa trên cơ sở khoa học và đồng thuận cả trong nước, quốc tế. Mục tiêu là trong nhiệm kỳ 2020-2025 phải hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị trước những vật liệu quan trọng để khởi công xây dựng vào đầu nhiệm kỳ tới.

Về Đền thờ Ngô Quyền, thành phố cần tiếp tục thực hiện bài bản, khoa học và sớm công bố kết quả khảo cổ, thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn vị trí xây dựng đền. Thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa về nguồn lực, nhân lực để triển khai các dự án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Với công tác giải phóng mặt bằng để di chuyển các công trình của Bộ Quốc phòng và để thu hồi diện tích đất của các hộ gia đình trong khuôn viên Khu di sản, Bí thư Thành ủy cũng giao các sở, ngành, địa phương triển khai nhanh tiến độ để sớm bàn giao diện tích đất, thống nhất quản lý Khu di sản.