Chỉ thị nêu rõ, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Ðề án 06 là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược này, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng hướng tới Chính phủ số, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác tháng 3 và triển khai nhiệm vụ tháng 4/2023 của Tổ công tác Ðề án 06 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, báo cáo của Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, hiện nay, toàn quốc đã có hơn 12.300 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 96,26% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với hơn 18,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thành tích hợp, cung cấp thành công các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và của ngành gồm: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế…
Tính đến ngày 15/3/2023, Bảo hiểm xã hội hai địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 17.383 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và 655 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua hai nhóm dịch vụ công liên thông.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 72.458 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Ðồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ðể triển khai hiệu quả nội dung này, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận (thuộc Hệ thống Giám định bảo hiểm y tế) và Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Quảng Bình và Hà Nội, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương và Bảo hiểm Xã hội quận Ðống Ða, Hà Nội.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Y tế triển khai Sổ sức khỏe điện tử; đồng thời hoàn thành việc nâng cấp phần mềm, bổ sung chức năng để hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử qua hạ tầng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phục vụ triển khai dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến và triển khai các dịch vụ công liên thông theo Ðề án 06...
Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh - Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng, với nhiệm vụ ngày càng nặng nề, thời gian triển khai gấp, cần có sự triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Vì vậy, giao Trung tâm Công nghệ thông tin-Thường trực Tổ công tác tham mưu kiện toàn và thành lập Tổ công tác thực hiện Ðề án 06 tại Bảo hiểm xã hội các địa phương với Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố làm Tổ trưởng, có cơ chế phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. "Ðây sẽ là "cánh tay nối dài", đầu mối quan trọng để Tổ công tác Ðề án 06 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo, phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan tại địa phương" - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh.
Thời gian tới, Tổ công tác đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với bộ, ngành trong triển khai Ðề án 06, chia sẻ dữ liệu vừa bảo đảm trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa bảo đảm an toàn thông tin.