Phía sau chuyện khách quốc tế sụt giảm

Admin

Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 của năm 2024 đạt 1,27 triệu lượt, so với tháng 8/2024, lượng khách quốc tế giảm đến 11,9%. Chuyên gia du lịch khẳng định, đây là hiện tượng không đáng lo ngại nhưng cần quan sát kỹ càng để chuẩn bị cho chiến lược đón khách quốc tế mùa cao điểm cuối năm.

Tính mùa vụ

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2024, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,27 triệu lượt, so với 1,43 triệu lượt trong tháng 8. Nhiều chuyên gia du lịch khẳng định, đây là hiện tượng thường niên, không đáng lo ngại. Thông thường, tháng 9 là tháng thấp điểm bậc nhất trong năm, bởi đây là lúc chuyển giao giữa mùa cao điểm khách nội địa và khách quốc tế.

Phía sau chuyện khách quốc tế sụt giảm- Ảnh 1.

Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm trong tháng 9/2024. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN

“Mùa cao điểm đón khách quốc tế là tháng 10-12, cao điểm đón khách trong nước là tháng 5-8. Vì vậy tháng 9 là quãng thời gian chuyển giao giữa mùa du lịch nội địa sang mùa du lịch quốc tế. Lúc này, lượng khách du lịch nội địa giảm và lượng khách quốc tế chưa tăng cao”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch nêu.

Việt Nam vừa hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và lũ lụt, các đơn vị dịch vụ du lịch như khách sạn, tàu thuyền, nhà hàng… Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, nguyên nhân của việc này là do ảnh hưởng của siêu bão Yagi đổ bộ miền Bắc.

Cơn bão gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch ở nhiều điểm du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang…

“Hoàn lưu sau bão cũng gây ra lũ lụt kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông, làm gián đoạn hoạt động du lịch. Nhiều đoàn khách đã phải hủy dịch vụ đặt từ trước”, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nêu rõ.

Số lượng khách quốc tế giảm tới 11,9% được cho là khá lớn khi Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Các chuyên gia nhận định không đủ cơ sở để khẳng định Việt Nam thiếu sức hút với du khách quốc tế.

“Đây chỉ là tình trạng nhất thời. Nếu tình trạng này kéo dài, liên tục từ 3-6 tháng, chúng ta mới cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp. Sự sụt giảm lượng khách quốc tế cũng là lời cảnh báo nhẹ để ngành du lịch có sự chuẩn bị kỹ càng cho mùa cao điểm”, ông Hoàng Nhân Chính nêu.

Xem xét thí điểm cấp thị thực cửa khẩu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Chính phủ giao Bộ Công an xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu để sớm tạo ra những đột phá hơn nữa về chính sách thị thực, tăng tính cạnh tranh của du lịch quốc gia.

Bất chấp sự sụt giảm lượng khách trong tháng 9, thị trường du lịch quốc tế vẫn ghi nhận sự phục hồi tốt. Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã đón 12,7 triệu lượt khách quốc tế, đạt mốc tăng trưởng kỷ lục năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.

Tâm thế cho mùa cao điểm

Chuyên gia Hoàng Nhân Chính khẳng định, để tiếp tục thu hút khách quốc tế, ngành du lịch cần tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Thời gian gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với những sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái… chú trọng đến loại hình tổ chức tiệc cưới của giới thượng lưu nước ngoài. Đây được coi là sản phẩm của du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo và sự kiện) mà Việt Nam đang có lợi thế.

Phía sau chuyện khách quốc tế sụt giảm- Ảnh 2.

Nhiều điểm du lịch ở miền Bắc tan hoang sau bão

“Chúng ta cần cải thiện hạ tầng, dịch vụ. Hạ tầng cần nâng cấp nhất hiện nay là hệ thống các sân bay quốc tế . Thực tế, nhiều sân bay quốc tế tại Việt Nam có dấu hiệu quá tải, có thể kể đến sân bay quốc tế Phú Quốc, Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Sân bay quốc tế Đà Nẵng dù mới nâng cấp nhưng với mức tăng trưởng hiện tại sẽ sớm sẽ đạt tải.

Chúng ta cần nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để phục vụ ngày càng nhiều chuyến bay thẳng, góp phần thu hút thị trường mới. Đối với dịch vụ du lịch, cần nhanh chóng nâng cấp, sửa chữa hệ thống hạ tầng lưu trú sau thiên tai”, ông Hoàng Nhân Chính đề xuất.

Phía sau chuyện khách quốc tế sụt giảm- Ảnh 3.

Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng

Vấn đề mở rộng, kéo dài thời hạn lưu trú là một trong những đề xuất được đưa ra nhiều lần để bàn thảo. Có thể nói, chính sách visa của Việt Nam đã được mở rộng, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam cần cởi mở hơn nữa để thu hút khách lưu trú dài hạn, kết hợp du lịch và làm việc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm áp dụng cung cấp thị thực tại cửa khẩu.

Số lượng khách quốc tế giảm tới 11,9% được cho là khá lớn khi Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Các chuyên gia nhận định không đủ cơ sở để khẳng định Việt Nam thiếu sức hút với du khách quốc tế.

Việc đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá du lịch cũng cần được quan tâm mạnh mẽ hơn nữa. Có thời điểm, tại những hội chợ du lịch lớn không có sự xuất hiện của Việt Nam.

Hiện tại, chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số, mạng xã hội, đồng thời tăng nội dung về trải nghiệm của du khách... Ngoài ra, ngành du lịch cần một chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa địa phương… Bởi đây cũng là một trong những điểm thu hút du khách đến từ châu Âu, Bắc Mỹ...