Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế

Admin

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn thương mại điện tử Temu.

Ngày 26/10, trao đổi bên hàng lang Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã nghe và nhận được nhiều phản ánh từ nhiều phía, trong đó có ý kiến của các đại biểu Quốc hội về sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc).

Ông Phớc đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Tổng cục Thuế, đồng thời yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn thương mại điện tử Temu đang tiến hành đến bước nào.

Sau khi có chỉ đạo với Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng thông tin sàn thương mại điện tử Temu vừa xuất hiện, quảng cáo khá rầm rộ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

"Tổng cục Thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện có 102 đơn vị đăng ký nộp thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, như Google, Facebook, Microsoft… trong diện nộp thuế. "Điển hình như ở Hà Nội, vừa qua đã thu được 33.000 tỷ đồng tiền thuế", ông Phớc cho hay.

Trao đổi về nguy cơ doanh nghiệp trong nước "thua ngay trên sân nhà", Phó Thủ tướng cho biết ngay từ năm 1996, khi còn làm Trưởng Phòng Tài chính thị xã Cửa Lò (Nghệ An), ông đã có bài viết đăng trên báo thể hiện quan điểm về vấn đề này. Cụ thể, cần ban hành Luật Chống bán phá giá, để chống phá giá và độc quyền.

"Ví dụ, có hai ông kinh doanh xi măng trên cùng một dãy phố. Một ông nhiều vốn, bán xi măng dưới giá thành. Còn một ông ít vốn, phải vay ngân hàng, bán đắt hơn không ai mua cả. Kết quả ông trường vốn thâu tóm ông ít vốn, trở thành cửa hàng độc quyền lũng đoạn thị trường", ông Phớc nói.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế- Ảnh 2.

Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook.

Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp trong nước trước hết phải tìm cách thích nghi, ngay cả với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua số thu ngân sách vượt 940.000 tỷ đồng trong 4 năm, vì có những giải pháp sáng tạo.

Ví dụ như xuất hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu liên thông, kết nối máy tính tiền, hóa đơn may mắn, hay là xuất hóa đơn từng lần qua bán hàng, chống đầu cơ, chuyển nhượng trong bất động sản, rồi thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới…

Cần kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá

Cũng liên quan đến sàn Temu, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay nhiều người dân không trực tiếp đến siêu thị mua hàng nữa mà mua online.

"Mọi người đều thấy thời gian qua sàn thương mại điện tử Temu quảng cáo rất rầm rộ. Hàng hóa bán trên đó giá giảm đến 70% so với mặt bằng chung. Theo ông Cường, đây là một cảnh báo, nguy cơ rất lớn khi các hàng hóa giá rẻ này sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa", ông Cường nói.

"Cơn lốc" hàng siêu rẻ từ Temu: Nguy cơ thất thu thuế, chất lượng bị bỏ ngỏĐBQH nói "phải hành động" khi hàng giá rẻ qua Temu đang đổ bộ Việt Nam

Theo đại biểu Cường cần phải sớm hành động. "Chắc chúng ta không thể cấm những hoạt động mua hàng xuyên biên giới này được, bởi chúng ta đang mở cửa thương mại. Song phải có kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá.

Trong các kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã cảnh báo về chất lượng hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử. Phải tập trung làm vấn đề này", ông Cường nói.

Ngoài ra, ông Cường cho hay cần xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa dưới 1 triệu còn phù hợp không hay phải tính lại? Tiếp theo cần tăng cường kiểm soát hành chính đối với loại hàng hóa này, thay vì cho nhập khẩu dễ dàng. Cuối cùng cần tăng cường năng lực của các sàn thương mại điện tử trong nước.