Giá cà phê ổn định, minh bạch hơn với sàn giao dịch, nhưng... cẩn trọng!

Thành lập sàn giao dịch cà phê tại Gia Lai là ý tưởng đầy tiềm năng giúp giá cà phê ổn định, minh bạch nhưng cũng nhiều rủi ro, cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Sở Công Thương tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội thảo phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa. Việc thành lập sàn giao dịch cà phê đặc biệt được quan tâm.

Hướng đến thành lập sàn giao dịch

Việt Nam hiện đứng thứ hai về sản lượng sau Brazil, xếp top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm. Năm 2023, nước ta xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn cà phê, thu về 4,18 tỉ USD, nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê 1 triệu tấn, thu về gần 2,4 tỉ USD. Vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất cà phê của cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị vượt trội.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, cho biết tỉnh có gần 99 ngàn ha cà phê, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Chỉ năm 2022, tỉnh này xuất khẩu cà phê thu về 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Giá cà phê ổn định, minh bạch hơn với sàn giao dịch, nhưng... cẩn trọng!- Ảnh 1.

Hội thảo phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa vừa được tổ chức

Tuy nhiên, thị trường cà phê có tính biến động cao, giá cà phê thường xuyên thay đổi. Điều này đã gây ra nhiều thách thức cho nông dân, nhà thu mua, nhà chế biến, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, cho biết việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại tỉnh Gia Lai sẽ mang nhiều lợi ích, sẽ là nơi giao dịch các hợp đồng tương lai cà phê, qua đó cung và cầu gặp nhau, hình thành giá cả. Giá cà phê trên sàn thường được coi là giá tham chiếu cho thị trường.

Các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu cà phê có thể sử dụng sàn để bảo vệ mình trước biến động giá, có thể mua hoặc bán hợp đồng tương lai để khóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu rủi ro thua lỗ. Tất cả giao dịch trên sàn đều được ghi nhận và công khai, giúp tăng tính minh bạch của thị trường, giảm thiểu thông tin bất đối xứng.

Sàn giao dịch cũng tạo ra một thị trường lớn với nhiều người tham gia, đảm bảo tính thanh khoản, giúp các nhà đầu tư dễ dàng mua bán hợp đồng tương lai.

Việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Gia Lai sẽ giúp nông dân có thể bán được sản phẩm với giá cả hợp lý, ổn định và tăng thu nhập. Nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường, nâng cao kỹ năng sản xuất. Bên cạnh đó, còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra cơ hội phát triển các hoạt động chế biến, xuất khẩu cà phê. Thông qua đó, kết nối với các vùng trồng cà phê của các tỉnh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum….

Người sản xuất cà phê được lợi gì ?

Việc thành lập một sàn giao dịch cà phê là một ý tưởng đầy tham vọng và tiềm năng, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan.

Trong đó, việc thành lập sàn giao dịch đối mặt nhiều thách thức như: chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh và chuyên biệt cho hoạt động giao dịch cà phê; cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số hiện đại để hỗ trợ giao dịch trực tuyến, quản lý dữ liệu và đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Việc thành lập và vận hành một sàn giao dịch cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, nhân lực và các hoạt động marketing...

Giá cà phê ổn định, minh bạch hơn với sàn giao dịch, nhưng... cẩn trọng!- Ảnh 2.

Khi tham gia sàn giao dịch cà phê, người dân, doanh nghiệp quan tâm sẽ được hưởng lợi những gì?

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic Gia Lai, nói sàn giao dịch cần thu hút người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia. Khi có người tham gia vào, sàn giao dịch sẽ thu phí và được hưởng lợi. Tuy nhiên cần phải rõ người mua, người bán được lợi cái gì khi tham gia vào.

"Trước đó, sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuật, tỉnh Đăk Lăk đã thành lập mà không thành công. Doanh nghiệp cà phê như tôi mong muốn được nghe, được nhìn thẳng vào vấn đề các sàn giao dịch đã thất bại. Để từ đó, chúng ta có những mổ xẻ nhằm tìm ra mô hình sàn giao dịch tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào" - ông Lâm chia sẻ.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc xuất khẩu cà phê lên sàn giao dịch quốc tế nhưng Việt Nam thì chưa. Để đạt được những hiệu quả, sàn giao dịch cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư xây dựng các kho chứa, hệ thống vận chuyển, các phòng thí nghiệm kiểm nghiệm chất lượng. Cần đào tạo đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao về giao dịch, quản lý, marketing. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư và nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

"Việc thành lập và vận hành một sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn, kinh nghiệm quản lý mà còn cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, góp phần phát triển thị trường cà phê trong nước và nâng cao giá trị cho nông sản quốc gia" - ông Bình chia sẻ.

Cần sự chung tay

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nói muốn đưa được sản phẩm cà phê lên sàn giao dịch hàng hóa thì tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa phải được đưa lên hàng đầu, qua đó gia tăng giá trị cho ngành nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, để tổ chức hoạt động, vận hành được sàn giao dịch hàng hóa thì không chỉ ngành nông nghiệp mà còn có sự chung tay liên kết lại với nhau từ các lĩnh vực như logistics, tài chính, kho bãi… cũng như giúp tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.


Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/gia-ca-phe-on-dinh-minh-bach-hon-voi-san-giao-dich-nhung-can-trong-a100119.html