Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) gồm hàng chục tòa nhà cao tầng. Trong đó, tòa nhà HH03E, cao 19 tầng với hơn 20 căn hộ mỗi tầng. Thế nhưng, theo phản ánh của cư dân, thời gian gần đây, thang máy tại tòa nhà này thường xuyên gặp sự cố.
Khi biết chúng tôi có ý định tìm mua căn hộ tại đây, bà Nguyễn Thị Tuyết (73 tuổi, một cư dân tòa nhà) gạt đi. “Chú xem tìm chung cư nào mà mua, chứ ở đây mỗi lần đi thang máy, tôi hãi lắm. Tôi đã 3 lần bị nhốt trong thang máy, trong đó 2 lần đi thang số 2 và 1 lần đi thang hàng”, bà Tuyết chia sẻ.
Bà Tuyết nhớ lại, cách đây hơn 1 tháng, bà sử dụng thang máy máy số 2 để lên nhà, khi thang vận hành đến tầng 9 thì đột ngột dừng lại, rồi rơi trượt xuống tầng 6. Trong thang máy lúc này chỉ có mình bà. Bà Tuyết đã bấm chuông cứu hộ, nhưng phải 30 phút sau bảo vệ mới hỗ trợ mở cửa ra được. Một lần khác, bà cũng gặp cảnh thang đi lên tầng rồi trôi xuống tầng 6, thang rung lắc dữ dội. “Bây giờ, mỗi lần đi thang máy, tôi phải tránh cái thang số 2 đó ra, chờ thang khác. Mất thêm chút thời gian cũng được, sợ lắm”, bà Tuyết nói đến giờ vẫn ám ảnh, sợ hãi.
Nhiều cư dân tòa nhà HH03E cho biết, thời gian gần đây, đặc biệt sau bão số 3 thang máy tại tòa nhà thường xuyên bị hỏng. "Gia đình tôi đã tính bán căn hộ rồi mua ở nơi khác. Tuy nhiên, qua tham khảo, tôi thấy nếu bán căn hộ tại đây chỉ được chừng 2 tỷ đồng, trong khi nếu mua căn hộ chừng 60m2 ở nơi khác, cũng phải tầm 3,5 tỷ đồng. Do không có tiền bù thêm, đến nay gia đình tôi chấp nhận ở lại đây", chị Thảo, một cư dân chia sẻ.
Không chỉ tại Khu đô thị Thanh Hà, tại khu chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cư dân cũng sống trong nơm nớp lo sợ khi thang máy hay bị kẹt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cư dân. Ảnh: Thang máy tại tòa nhà HH03F, Khu đô thị Thanh Hà bị hỏng.
Chị Thương, cư dân tòa nhà HH3B cho biết, khoảng cuối giờ chiều 24/10, một thang máy tại tòa nhà di chuyển xuống tầng 7, 8 thì bất ngờ bị trượt xuống tầng 4. Vụ việc đã khiến những người bên trong gồm có phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, nhiều trẻ em đi học về một phen hoảng loạn.
Tại các tòa nhà thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cũng không ít lần xảy ra sự cố thang máy khiến người dân bất an.
Một thang máy tại tòa nhà CT12B, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ dựng biển "Bảo trì".
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố thang máy. Thang máy có thể nhập khẩu nguyên chiếc, nhưng bản chất là các bộ phận rời, đến công trường mới được lắp đặt hoàn thiện. Khi đó, kỹ thuật viên, con người lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, như điểm hở, điểm nối của ray, ốc vít… sẽ khiến thang máy rung lắc. Quá trình chạy sẽ khiến thiết bị bào mòn, hỏng hóc nhanh. Hoặc có thể do mua sắm thiết bị không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn. Ảnh: Kỹ thuật viên đang sửa chữa thang máy tại tòa nhà HH03F, Khu đô thị Thanh Hà.
"Trong giai đoạn sử dụng, thang máy bị hỏng hóc, lỗi kỹ thuật thường là do 2 yếu tố. Thứ nhất, các Ban quản lý tòa nhà chưa có người được đào tạo, cấp chứng chỉ về vận hành thang máy. Thứ hai, kỹ thuật viên không đủ trình độ.Mới đây, có trường hợp cửa thang máy mở mà ca bin vẫn chạy rõ ràng là lỗi của kỹ thuật viên. Từ quản lý tòa nhà, kỹ thuật viên không đủ năng lực, không có chứng chỉ vẫn vận hành thang máy dẫn đến các lỗi như mòn cáp, hỏng cảm biến, quá tải, nhiễu thang... dẫn đến thang dễ bị trôi như vừa qua", ông Đức nói.
Từ các sự cố liên quan đến thang máy vừa qua, ông Đức cho rằng, khi thuê đơn vị quản lý vận hành cư dân cần yêu cầu kỹ thuật viên phải có chứng chỉ đào tạo về thang máy. Hơn nữa, thang máy phải được bảo trì thường xuyên, khi linh kiện đã cũ, có dấu hiệu hỏng hóc thì phải sửa chữa, thay mới ngay để đảm bảo an toàn.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ha-noi-song-bat-an-o-chung-cu-vi-su-co-thang-may-a100146.html