Ông nông dân kiếm 90 tỷ đồng/năm nhờ "bẻ lái" nuôi con mắn đẻ, "hiền như cục đất"

Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, ông Đinh Ngọc Khương có thu nhập tiền tỷ, được bình chọn là nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2021.

Ông Đinh Ngọc Khương (sinh năm 1967, ngụ ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) được mệnh danh là "ông trùm" của mô hình nuôi gà trại lạnh ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Tuy nhiên, để có được những thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua bao vất vả cùng những thất bại trong chăn nuôi.

Chia sẻ với Tiền Phong , ông Khương cho biết khi chưa đầy 20 tuổi, ông rời quê Nam Định vào tỉnh Bình Dương. Thời điểm đó, không có nhiều đất để trồng trọt, ông Khương lặn lội qua Đồng Nai làm phụ hồ.

Thấy nghề xây dựng vất vả, ông lại dạt đến Tp.HCM chạy xích lô kiếm sống. Ban đầu, thu nhập cũng đủ sống nhưng càng ngày càng ít khách, cuối cùng ông Khương bỏ cuộc, quay về Bình Dương lập nghiệp.

Với số tiền ít ỏi kiếm được sau bao năm lăn lộn nơi đất khách, ông Khương quyết định nuôi heo. Tuy nhiên, hơn 3.000 con heo đang chuẩn bị xuất chuồng thì dịch heo tai xanh ập đến, buộc phải tiêu hủy. Ông Khương trắng tay.

Thất bại trong việc nuôi heo, ông Khương chuyển sang nuôi gà gia công. Ông kể lại: "Thời gian đầu tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật chăm sóc, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, đầu ra sản phẩm bị ép giá. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng với sự kiên trì, quyết tâm, tôi đã chịu khó tìm hiểu thêm sách, báo và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi".

Ông nông dân kiếm 90 tỷ đồng/năm nhờ "bẻ lái" nuôi con mắn đẻ, "hiền như cục đất"- Ảnh 1.

Ông Đinh Ngọc Khương thành công với mô hình nuôi gà lạnh ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: H.C/báo Tiền Phong

Nhận thấy nuôi gà truyền thống bấp bênh, ông Khương quyết định chuyển sang nuôi gà ứng dụng công nghệ cao để đạt hiệu quả kinh tế.

Năm 2017, ông Khương quyết định vay mượn gia đình, bạn bè đầu tư chuồng trại theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, tăng đàn lên 80.000 con gà.

Ông cho biết mô hình nuôi gà đẻ ứng dụng công nghệ cao là thay đổi trại hở thành trại kín, hệ thống dẫn thức ăn, dẫn nước làm mát, đặc biệt là hệ thống thông gió làm mát chuồng trại.

"Mô hình trại lạnh đã giảm thiểu vấn đề dùng kháng sinh, không cần nhiều công nhân và rút ngắn ngày lại. Nếu ở mô hình nuôi gà hở cần 60 ngày mới xuất gà thịt, đối với trại lạnh, chỉ cần 52 ngày đã cho xuất gà thịt", ông Khương thông tin với báo Bình Dương .

Ông nông dân kiếm 90 tỷ đồng/năm nhờ "bẻ lái" nuôi con mắn đẻ, "hiền như cục đất"- Ảnh 2.

Trang trại gà của ông Khương được đầu tư, xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học, nuôi gà đẻ theo quy trình khép kín. Ảnh: Trần Phi/báo Nông nghiệp Việt Nam.

Với tổng diện tích trang trại 25.000m2, xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học, nuôi gà đẻ theo chuỗi quy trình khép kín, trại gà ông Khương nuôi 400.000 gà thương phẩm và 40.000 gà bố mẹ, bình quân mỗi ngày, đàn gà bố mẹ cho 15.000 - 17.000 trứng.

Những quả trứng to và đẹp sẽ được ông Khương chọn để đưa vào máy ấp nhằm cho ra đàn gà giống có sức đề kháng và sự phát triển tốt. Hiện, ông Khương đã đầu tư 12 máy ấp hiện đại để sản xuất gà giống.

Thời gian cao điểm, trại gà lạnh của ông nuôi 600.000 con gà thương phẩm, 1 tháng xuất 20.000 con, trung bình xuất 900 tấn gà/tháng.

Nhằm bảo đảm bao tiêu đầu ra cho nguồn gà thương phẩm, hiện ông Khương đang liên kết với 2 công ty trên địa bàn. "Ngành nông nghiệp hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đây là cơ hội cho nông dân tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, chi phí rẻ", ông Khương chia sẻ.

Ông nông dân kiếm 90 tỷ đồng/năm nhờ "bẻ lái" nuôi con mắn đẻ, "hiền như cục đất"- Ảnh 3.

Ông Khương bên trại gà. Ảnh: báo Bình Dương

Ông Khương cho biết thêm năm 2021, mặc dù thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến thị trường, khiến giá gà xuống thấp, nguồn thức ăn nuôi gà tăng cao, khiến trại gà bị lỗ trong những tháng dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh thu của trại vẫn đạt 90 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 30%.

Dự kiến, năm 2024 ông Khương sẽ đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao trong mô hình chăn nuôi nói chung và gà lạnh nói riêng là "chìa khóa" để "mở cánh cửa" mới cho nông dân.

Ngoài ra, ông Khương còn cho biết mô hình nuôi gà lạnh chưa được áp dụng nhiều tại Bình Dương, và người dân nếu có điều kiện thì nên đầu tư vào mô hình này. Theo ông Khương, mô hình này mặc dù đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên để theo nghề, người nông dân không chỉ cần vốn mà phải có chút am hiểu về chăn nuôi.

Khi đặt câu hỏi: "Thành công của ông hôm nay bắt nguồn từ những yếu tố gì" ? Ông Khương trả lời: "Đó là kết quả sau những lần thất bại và sự tự tìm tòi học hỏi không ngừng qua nhiều kênh khác nhau".

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam , sự thành công của ông Khương đã được nhiều người dân địa phương và các tỉnh lân cận biết đến, đã có rất nhiều người tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi gà mô hình gà lạnh.

Hiện, trại gà của ông đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương. Ông cũng đã truyền nghề cho hàng trăm người đến từ các tỉnh khác nhau trên cả nước.

"Ai tìm đến tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, truyền hết những gì mình học và đúc kết được. Bởi theo tôi, thành công của mình hôm nay nếu biết chia sẻ cho người khác thì thành công đó mới có giá trị", ông Đinh Ngọc Khương cho biết.


Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ong-nong-dan-kiem-90-ty-dongnam-nho-be-lai-nuoi-con-man-de-hien-nhu-cuc-dat-a100230.html