Nhiều hãng xe lần đầu lắp ráp tại Việt Nam: Phần lớn từ Trung Quốc, xe thuộc nhiều phân khúc, xuất xưởng từ năm sau

Xu hướng xây nhà máy và nội địa hóa ô tô tại Việt Nam đang cho thấy rõ mục tiêu phát triển nghiêm túc của nhiều hãng mới gia nhập thị trường.

Skoda

Skoda là thương hiệu hiếm hoi không đến từ Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Hiện tại, Skoda vẫn đang nhập xe từ châu Âu. Tuy nhiên, bước sang năm sau, nhiều khả năng những chiếc Skoda lắp ráp tại Việt Nam đầu tiên sẽ được xuất xưởng.

Nhiều hãng xe lần đầu lắp ráp tại Việt Nam: Phần lớn từ Trung Quốc, xe thuộc nhiều phân khúc, xuất xưởng từ năm sau- Ảnh 1.

Hai mẫu xe nhiều khả năng được lắp ráp đầu tiên là Slavia và Kushaq. Trong đó, Slavia là sedan hạng B, chung phân khúc với Toyota Vios và Hyundai Accent. Kushaq là SUV/crossover hạng B, vừa ra mắt tại Vietnam Motor Show 2024, chung phân khúc với Mitsubishi Xforce hay Toyota Yaris Cross. Cả 2 mẫu xe được đồn đoán mở bán trong năm 2025.

Những chiếc Skoda sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại khu công nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh), rộng 36,5 ha. Công suất nhà máy là 120.000 xe/năm. Sau khoảng 4 năm xây dựng, nhà máy sẽ đi vào vận hành trong cuối năm 2024 này. Đây không chỉ là nhà máy Skoda đầu tiên tại Việt Nam mà còn là đầu tiên trong Đông Nam Á.

GWM

GWM còn được nhớ tới tại Việt Nam với thương hiệu xe Haval. Theo tờ CarNewsChina hồi tháng 9 vừa qua, GWM và Thành An Group (TAG) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc sản xuất ô tô theo hình thức lắp ráp tại Việt Nam.

Hiện chưa rõ mẫu xe nào của GWM sẽ được nội địa hóa. Hiện tại, Haval tại Việt Nam đang có mẫu H6, dự kiến ra mắt mẫu Jolion mới trong tháng này. GWM cũng có kế hoạch đưa mẫu Tank 300 về Việt Nam trong năm nay. Đây đều là những mẫu SUV/crossover, thuộc các phân khúc B, C và D.

Nhiều hãng xe lần đầu lắp ráp tại Việt Nam: Phần lớn từ Trung Quốc, xe thuộc nhiều phân khúc, xuất xưởng từ năm sau- Ảnh 2.

Trong khu vực Đông Nam Á, GWM đang có nhà máy tại Thái Lan. Xe Haval hiện nhập từ Thái Lan về Việt Nam. Hãng cũng sẽ có các nhà máy tại Malaysia và Indonesia theo thỏa thuận. 

Lynk Co, Geely (Geely)

Hồi tháng 9 vừa qua, Geely và Tasco đã ký hợp đồng liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô. Nhà máy lắp ráp xe dạng CKD của Geely sẽ đặt tại Thái Bình, có diện tích khoảng 30 ha, công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm ở giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 168 triệu USD (khoảng hơn 4.100 tỷ đồng). Nhà máy dự kiến khởi công đầu năm sau và xuất xưởng xe vào năm 2026.

Trước mắt, thương hiệu con đầu tiên của Geely được lắp ráp là Lynk & Co. Hãng này đang bán nhiều dòng xe tại Việt Nam được nhập về từ Trung Quốc. Sau khi lắp ráp xe Lynk & Co, nhà máy này sẽ tiếp tục lắp xe thuộc thương hiệu Geely trong tương lai.

Nhiều hãng xe lần đầu lắp ráp tại Việt Nam: Phần lớn từ Trung Quốc, xe thuộc nhiều phân khúc, xuất xưởng từ năm sau- Ảnh 3.

Ngoài Lynk & Co, Tasco hiện cũng phân phối xe Zeekr và Volvo (đều thuộc Geely). Do đó, không loại trừ khả năng xe Zeekr sẽ được nội địa hóa tại Việt Nam khi có doanh số khả quan.

Omoda & Jaecoo (Chery)

Cũng trong tháng 9, Chery xác nhận mở nhà máy lắp ráp xe Omoda & Jaecoo tại Việt Nam. Nhà máy sẽ đặt tại khu công nghiệp Hưng Phú thuộc Thái Bình. Nhà máy dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm sau. Vốn đầu tư có tổng trị giá gần 20.000 tỷ đồng. Công suất giai đoạn đầu của nhà máy là 50.000 xe/năm, sau đó sẽ nâng lên 200.000 xe/năm. Nhà máy dự kiến hoàn thiện vào năm 2026.

Nhiều hãng xe lần đầu lắp ráp tại Việt Nam: Phần lớn từ Trung Quốc, xe thuộc nhiều phân khúc, xuất xưởng từ năm sau- Ảnh 4.

Trước đó, hồi tháng 4, tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) đã ký kết hợp đồng liên doanh tại Việt Nam. Dự kiến cuối năm nay, dòng xe Omoda C5 sẽ được bán ra thị trường, trước mắt được nhập từ Indonesia. Đây là mẫu SUV/crossover phân khúc B+. Các mẫu xe khác có thể cũng sẽ mở bán trong thời gian tới của 2 thương hiệu này là Omoda E5 (xe điện) và Jaecoo J7 (mẫu xe hybrid).

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nhieu-hang-xe-lan-dau-lap-rap-tai-viet-nam-phan-lon-tu-trung-quoc-xe-thuoc-nhieu-phan-khuc-xuat-xuong-tu-nam-sau-a100933.html