Làn gió mới trên bản đồ công nghiệp liền kề TP.HCM

Bên cạnh 2 tỉnh công nghiệp lâu đời là Đồng Nai và Bình Dương, Long An nổi lên như một trung tâm công nghiệp mới ở cửa ngõ phía tây TP.HCM với nhiều tiềm năng và lợi thế.

Vị thế "Cột trụ" của ba tỉnh công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, Long An

Đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển địa phương, TP.HCM và nền kinh tế quốc gia, ba tỉnh công nghiệp: Đồng Nai, Bình Dương và Long An sở hữu những lợi thế riêng, tạo thành những "cột trụ tăng trưởng" vững chắc. Trong khi Đồng Nai và Bình Dương giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển kinh tế khu vực thì Long An đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp lớn và phát triển sớm. Tính đến nay, 32 KCN Đồng Nai đã thu hút được 2.135 dự án đầu tư. Trong đó, có 1.493 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 30,34 tỷ USD, vốn thực hiện 23,11 tỷ USD; 642 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 81.916,30 tỷ đồng, theo thông tin của Ban quản lý các KCN Đồng Nai.

Còn Bình Dương là tỉnh có nhiều KCN phát triển mạnh mẽ, với 29 KCN, trong đó có 27 KCN đang hoạt động. Đây là địa phương thu hút FDI hàng đầu. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, tính cuối tháng 8/2024, Bình Dương có hơn 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành (sau TP.HCM và Hà Nội).

Trong khi đó, "cột trụ" thứ ba là Long An có vị trí chiến lược, sở hữu 3 cửa ngõ quan trọng kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tạo thành "điểm trung chuyển" cho hàng hóa giữa các vùng trọng yếu. Trước đây, hạ tầng của Long An được xem là một trong những trở ngại lớn khiến tỉnh chưa phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, Long An đã chứng kiến sự đầu tư đáng kể vào các dự án hạ tầng chiến lược. Đi cùng là bước chuyển mình mạnh mẽ về phát triển công nghiệp. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.312 dự án FDI, vốn hơn 11,3 tỉ USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ USD.

Long An: Làn gió mới trong bản đồ công nghiệp liền kề TP.HCM

Một trong những yếu tố giúp Long An trở thành tâm điểm công nghiệp mới là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, cảng biển và các KCN. Chính quyền tỉnh đang đẩy mạnh việc triển khai các dự án hạ tầng lớn, tạo đà cho sự bùng nổ công nghiệp trong tương lai gần. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu đến năm 2030, Long An trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, là cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế, đô thị, công nghiệp kết nối chặt chẽ TP.HCM và Đông Nam Bộ với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Làn gió mới trên bản đồ công nghiệp liền kề TP.HCM- Ảnh 1.

Khu công nghiệp sinh thái tiên phong tại Long An – Prodezi EIP. Ảnh: TL.

Các dự án hạ tầng đột phá tại Long An

Một trong những dự án quan trọng góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng của Long An là tuyến đường huyết mạch cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Song song đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng có tổng chiều dài khoảng 57,1 km là một phần trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu vực phía Nam. Ngoài ra, các tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 đang được triển khai. Việc tăng cường kết nối hạ tầng tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, di chuyển thuận tiện giữa Long An với 12 tỉnh còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Long An còn sở hữu cảng quốc tế quan trọng. Trong giai đoạn vừa thi công, vừa khai thác từ tháng 6/2023, Cảng quốc tế Long An tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, khoảng 2.368 m, có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT. Theo báo cáo từ Ban quản lý cảng, Cảng Long An dự kiến sẽ xử lý hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của vùng.

KCN sinh thái – Tương lai của công nghiệp xanh

Nét chấm phá đáng chú ý khi nhắc đến phát triển kinh tế Long An là sự ra đời của các KCN sinh thái (EIP), điển hình là Prodezi. Có quy mô lên tới 400ha, vốn đầu tư 4.600 tỉ đồng, đây là KCN sinh thái đầu tiên của Long An và là một trong những KCN lớn bậc nhất tại ĐBSCL. Sở hữu vị trí chiến lược tại giao điểm giữa đường tỉnh 830 hiện hữu và đại lộ Lương Hòa – Bình Chánh (lộ giới 60m), chỉ mất khoảng 5 phút để kết nối từ Prodezi đến TP.HCM cũng như dễ dàng tiếp cận các tuyến đường trọng yếu, sân bay và cảng biển.

KCN sinh thái Prodezi kết hợp giữa sản xuất công nghiệp và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Với các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt, Prodezi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Nơi đây thu hút các nhà đầu tư không chỉ nhờ vào vị trí thuận lợi mà còn có những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Prodezi EIP cam kết đi đầu trong thực hành và phát triển bền vững qua 4 trụ cột: Sử dụng năng lượng tái tạo – tái sử dụng và tái chế nước – phát triển tòa nhà xanh, kho bãi chứng nhận xanh – phát triển trang trại hữu cơ.

Nhiều doanh nghiệp đã chọn đầu tư vào Prodezi nhờ vào khả năng đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế về trách nhiệm xã hội và môi trường. Các tiêu chuẩn này đáp ứng hiệu quả sản xuất, hướng tới phát triển bền bững và nâng tầm vị thế của các doanh nghiệp đặt nhà máy tại đây.

Làn gió mới trên bản đồ công nghiệp liền kề TP.HCM- Ảnh 2.

Prodezi EIP tại Long An thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Hệ thống hạ tầng trong KCN Prodezi được đầu tư hiện đại và đồng bộ. Đường giao thông nội khu được thiết kế rộng rãi, kết nối thuận lợi với các tuyến đường chính. Hệ thống cung cấp điện gồm lưới điện quốc gia và năng lượng mặt trời. Nguồn cấp nước ổn định, cùng với hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo môi trường sản xuất sạch sẽ và an toàn cho doanh nghiệp hoạt động.

Prodezi EIP khởi công cuối tháng 11 và bàn giao quý II/ 2025. KCN sinh thái này đang có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp đầu tư. Song song đó, tỉnh Long An đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư vào KCN nói chung cũng như Prodezi EIP. Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến 4 năm đầu và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, theo quy định của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13. Điều này giúp tối ưu chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp mới thành lập.

Với sự đóng góp của Prodezi EIP cũng như các KCN khác trong địa bàn tỉnh, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của Long An sẽ tiếp tục bứt phá, đưa tỉnh ngang tầm với các địa phương lớn như Bình Dương và Đồng Nai trong thời gian sắp tới.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/lan-gio-moi-tren-ban-do-cong-nghiep-lien-ke-tphcm-a100937.html