Điện máy tung "bình mới rượu cũ"

Mới đây, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động tiếp tục tung ra chính sách "mua trả chậm", được cho là bước tiến mới của mua trả góp.

Trước tình hình sức mua hàng điện máy èo uột từ sau dịch COVID-19, Thế Giới Di Động đã "khơi mào" cuộc chiến giá rẻ vào năm ngoái với thông điệp "bán rẻ hơn thị trường để lôi kéo khách hàng". Vừa lấy lại được thị phần, mới đây, chuỗi bán lẻ này tiếp tục tung ra chính sách "mua trả chậm", được cho là bước tiến mới của mua trả góp.

Theo Thế Giới Di Động, từ nhiều năm trước, khi người dân còn quen với thanh toán một lần, chuỗi đã áp dụng hình thức trả góp, cho phép khách hàng nhận sản phẩm ngay và thanh toán theo từng phần. Đến nay, "mua trả chậm" sẽ là giải pháp thay thế hoàn toàn cho hình thức mua trả góp. Cụ thể, khách hàng có thể trả trước 0 đồng hoặc dưới 30% giá trị sản phẩm, thanh toán làm nhiều đợt mà không phải lo lắng các loại lãi phát sinh, đồng thời các chi phí ẩn như phí bảo hiểm, phí hồ sơ... đều bị loại bỏ. "Chúng cung cấp giải pháp tối ưu để khách hàng mua sắm dễ dàng, lấy xài liền, tiền trả sau!" - ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, khẳng định.

Điện máy tung "bình mới rượu cũ"- Ảnh 1.

Sức mua hàng điện máy vẫn còn yếu, nhà bán lẻ điện máy phải làm “mới” cách bán hàng để thu hút khách

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, hình thức "mua trả chậm" chỉ là cách gọi khác của mua trả góp. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, lưu ý khách hàng nên tìm hiểu kỹ và so sánh số tiền cuối cùng bỏ ra khi mua trả góp, trả chậm so với thanh toán một lần. "Không tính lãi tức là không phát sinh lãi suất trên giá làm hồ sơ. Tuy nhiên, có trường hợp giá làm hồ sơ cao hơn 5% - 10% so với giá mà khách hàng trả một lần. Do đó, tổng số tiền mà khách bỏ ra khi trả chậm vẫn cao hơn đáng kể so với trả thẳng" - ông Huy cảnh báo.

Đại diện FPT Shop cũng cho rằng mua trả chậm và mua trả góp có bản chất như nhau. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Marketing Di Động Việt, cho hay hệ thống này đã áp dụng hình thức mua hàng trả góp từ lâu với lãi suất 0% và không mất phí hồ sơ.

ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, cho biết mua trả chậm không tính lãi suất là gói ưu đãi của ngân hàng dành cho nhiều loại hàng hóa, không riêng với hàng điện máy. Hình thức này giúp người bán giải phóng được hàng tồn kho trong khi ngân hàng có thể cho vay. Tuy nhiên, hình thức này không tác động nhiều đến sức mua vì thu nhập của người dân vẫn chưa thực sự hồi phục.


Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dien-may-tung-binh-moi-ruou-cu-a101075.html