Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 13/11 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh này đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án tuyến đường giao thông từ ngã ba Voi (Tp.Thanh Hóa) đi Tp.Sầm Sơn.
Theo đó, tuyến đường giao thông từ ngã ba Voi (Tp.Thanh Hóa) đi Tp.Sầm Sơn là đường phố chính đô thị, kết nối các khu đô thị, khu du lịch biển có quy mô lớn. Tuy nhiên, đoạn Km2+351 - Km8+500 có quy mô đầu tư chưa hoàn chỉnh so với quy hoạch và chưa đồng bộ với quy mô đã đầu tư đoạn đầu tuyến và cuối tuyến. Cụ thể, phần xe chạy nhỏ hẹp, chưa đầu tư các hạng mục vỉa hè, dải phân cách, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng,... một số vị trí xuất hiện tình trạng ngập nước mặt đường trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng đến môi trường và điều kiện lưu thông trên tuyến.
Trong khi đó, một số hạng mục tuynel dọc đoạn Km8+500 - Km11+743 chưa thực sự cần thiết đầu tư hoàn chỉnh trong giai đoạn hiện nay, do hạ tầng khu dân cư, khu đô thị dọc hai bên tuyến còn thưa thớt, nhu cầu kết nối hạ tầng kỹ thuật chưa cao.
Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đầu tư hoàn chỉnh đoạn Km2+351 - Km8+500 theo quy hoạch. Đồng thời điều chỉnh thiết kế hệ thống tuynel dọc đoạn Km8+500 - Km11+743 để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Sau điều chỉnh tuyến đường sẽ được đầu tư hoàn thiện mặt cắt ngang toàn bộ đoạn tuyến từ Km2+351 - Km11+743 theo quy hoạch được duyệt, gồm: mặt đường Bm=2x12m=24m, dải phân cách giữa Bpc=5m, vỉa hè 2x7,5m=15m, hệ thống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, cây xanh.
Điều chỉnh hệ thống tuynel kỹ thuật dọc hai bên tuyến đường từ cống hộp bê tông cốt thép (BTCT) tiết diện 2x2m thành cống tròn BTCT đường kính 0,6m; điều chỉnh hệ thống thoát nước thải từ cống tròn BTCT đường kính 0,3m thành rãnh hộp xây gạch chiều rộng 0,4m.
Bên cạnh đó, giải pháp thiết kế cũng được điều chỉnh cơ bản tuân thủ theo thiết kế cơ sở đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định: số 3159/QĐ-UBND ngày 17/9/2009, số 1163/QĐUBND ngày 03/4/2020, số 1592/QĐ-UBND ngày 12/5/2023.
Sau khi điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án tăng từ hơn 1.360 tỷ đồng lên 1.497 tỷ đồng. Trong tổng mức đầu tư mới, chi phí xây dựng chiếm tỉ trọng lớn với hơn 992 tỷ đồng, tăng hơn 165 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng ghi nhận 405 tỷ đồng, giảm 31,6 tỷ đồng. Dự án được yêu cầu hoàn thành trong năm 2025.
Dự án được huy động vốn từ nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh (vốn đầu tư phát triển, vốn tạm ứng kho bạc Nhà nước, vốn vay Kho bạc Nhà nước, nguồn tăng thu, sắp xếp nhiệm vụ chi, vốn thu tiền sử dụng đất và các nguồn ngân sách khác - nếu có; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và sự nghiệp kinh tế trong dự toán ngân sách cấp tỉnh hằng năm và nguồn vốn hợp pháp khác).
Các nội dung khác giữ nguyên theo các Quyết định: số 3159/QĐUBND ngày 17/9/2009, số 1163/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 và số 1592/QĐUBND ngày 12/5/2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Liên quan vấn đề này, trước đó Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã thống nhất việc điều chỉnh này phụ hợp với Công văn số 5322-CV/VPTU ngày 05/8/2024 của Thường trực.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, sau nhiều năm bị đình trệ tại đoạn cuối tuyến do vướng mắc giải phòng mặt bằng, hiện dự án đã thông xe toàn tuyến từ Tp.Thanh Hóa về tới Tp.Sầm Sơn.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nang-tong-muc-dau-tu-tuyen-duong-nga-ba-voi-di-sam-son-len-gan-1500-ty-dong-a101934.html