Việt Nam sở hữu loại quả gia vị triệu đô được Lào, Trung Quốc cực kỳ mê: Thu về 23 triệu USD kể từ đầu năm, nước ta có sản lượng hàng trăm nghìn tấn

Không riêng sắn hay sầu riêng, Trung Quốc đang thu mua đến 80% sản lượng mặt hàng này từ Việt Nam.

Việt Nam sở hữu loại quả gia vị triệu đô được Lào, Trung Quốc cực kỳ mê: Thu về 23 triệu USD kể từ đầu năm, nước ta có sản lượng hàng trăm nghìn tấn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việt Nam đang nắm giữ thế mạnh về xuất khẩu các loại gia vị như hồ tiêu, quế, hoa hồi và một loại quả bán đầy chợ Việt nhưng ra nước ngoài lại là quả gia vị triệu đô là quả ớt.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 10 đạt 435 tấn, kim ngạch đạt 1 triệu USD, giảm 8,2% so với tháng 9. Trong đó Lào và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nước ta với lần lượt 197 tấn và 169 tấn.

Lũy kế trong 10 tháng đầu năm loại quả gia vị này đã mang về cho nước ta hơn 23 triệu USD với sản lượng đạt 9.709 tấn, tăng 6,5% về lượng và tăng mạnh 32,1% về kim ngạch.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ớt Việt với 7.700 tấn và Lào đạt 1.373 tấn.

Việt Nam sở hữu loại quả gia vị triệu đô được Lào, Trung Quốc cực kỳ mê: Thu về 23 triệu USD kể từ đầu năm, nước ta có sản lượng hàng trăm nghìn tấn- Ảnh 2.

Trên thế giới, ớt được trồng trên diện tích khoảng 19,89 triệu ha. Các nước trồng ớt chính là Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Romania, Trung Quốc, Nigeria và Mexico…

Người nông dân Việt Nam coi ớt là loại trái tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao vì có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước. Theo một số chuyên gia nhận định, do ớt Việt Nam có độ cay cao và có nhiều loại khác nhau như ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng... đều rất cay nên được thị trường như Trung Quốc, Lào… ưa chuộng.

Các lô hàng ớt tươi nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc do các đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền, đồng thời phải chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật. Kể từ tháng 3/2022, ớt tươi của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe của đất nước tỷ dân này.

Cây ớt ở Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt. Sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha.

Bên cạnh đó, một “thủ phủ” ớt khác của Việt Nam là Lạng Sơn, trong vụ ớt 2023, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479 ha, tăng 91 ha so niên vụ năm 2022. Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào.

Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây.

Trước đó trong năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với hơn 10.000 tấn, tăng mạnh 107% so với năm 2022.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/viet-nam-so-huu-loai-qua-gia-vi-trieu-do-duoc-lao-trung-quoc-cuc-ky-me-thu-ve-23-trieu-usd-ke-tu-dau-nam-nuoc-ta-co-san-luong-hang-tram-nghin-tan-a102173.html