Cần chính sách "bảo hộ" tốt hơn cho phim Việt

Xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này, các chính sách của Nhà nước về phát hành, phổ biến phim nội cần có giá trị thực tiễn hơn nữa.

a2-9085-1684893366.jpg

Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh đạt doanh thu 260 tỷ sau gần 1 tháng phát hành (tính đến ngày 21/5)

Bảo hộ phim nội từ việc phát hành, phổ biến phim

Phim Việt Nam tại các rạp chiếu hiện đang bị phụ thuộc vào khung giờ chiếu, kênh phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài với hơn 80% thị phần.

Theo thống kê sơ bộ vào năm 2021-2022, có tới hơn 80% thị phần cụm rạp chiếu ở Việt Nam thuộc về công ty nước ngoài như Lotte, CGV... Còn lại là các thị phần nhỏ với các công ty Việt Nam, như: Mega GS, Galaxy, BHD và hệ thống rạp chiếu Nhà nước với vài ba rạp nhỏ lẻ.

Trong đó, "ông lớn" CGV nắm 51% thị phần với hệ thống 81 rạp, 475 phòng chiếu phim tại 30 tỉnh, thành phố; Lotte chiếm khoảng 30% thị phần với hơn 42 rạp. Số lượng áp đảo của các rạp chiếu nước ngoài đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ suất chiếu của phim Việt và thời gian phim Việt trụ lại tại các rạp chiếu.

Điện ảnh được xác định không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn đóng vai trò là một ngành công nghiệp văn hóa. Trong công nghiệp điện ảnh, "quyền lực" của các rạp rất lớn, vì đây là kênh tiếp cận, thậm chí còn chi phối về thị hiếu, nhu cầu về điện ảnh của công chúng.

Không chỉ vậy, rạp chiếu còn có quyền sắp xếp các suất chiếu về số lượng, thời gian. Và việc sắp xếp này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của một bộ phim bởi nếu "bị" xếp vào các khung giờ xấu thì phim dù hay đến đâu cũng không tránh khỏi thất bại về mặt doanh thu.

Trong khi đó, các rạp nước ngoài lại không mấy "mặn mà" với phim Việt khi thường xếp chiếu vào các khung giờ: 8 giờ, 9 giờ, 23 giờ và các suất chiếu phim cũng rất thưa. Nhiều khán giả muốn xem phim Việt Nam nhưng đến rạp có khi phải đợi 2 đến 3 giờ đồng hồ mới có một suất chiếu.

Chưa kể, thời gian phim Việt trụ lại các rạp chiếu thường không lâu, chỉ sau vài ngày có suất chiếu đầu tiên bởi doanh thu thấp. Như vậy, so các bom tấn của Hollywood hay thậm chí các phim điện ảnh của Hàn Quốc, Trung Quốc, phim Việt cũng "lép vế" hơn rất nhiều.

Gần đây, Việt Nam đã có những bộ phim "khuấy đảo" các phòng vé với doanh thu khả quan như: Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh (260 tỷ đồng), Nhà Bà Nữ (475 tỷ đồng), Con Nhót mót chồng (56 tỷ đồng), Bố già (427 tỷ đồng)...

Tuy nhiên, những bộ phim như vậy chưa nhiều. Phần lớn vẫn khá chật vật để ra rạp cũng như trụ lại. Và từ thực tế phổ biến, phát hành phim thời gian gần đây cho thấy cần có những chính sách bảo hộ của Nhà nước để phim Việt đến gần với đông đảo công chúng hơn.

Hơn nữa, với kỳ vọng xây dựng thành công ngành công nghiệp điện ảnh, bảo hộ phim nội cũng là một cách hiệu quả giúp tăng doanh thu cho ngành điện ảnh nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung.

Cần các chính sách có giá trị thực tiễn hơn

Ở một số nước có nền điện ảnh phát triển, Chính phủ đã có những chính sách bảo hộ đặc biệt với nhiều ưu đãi đặc biệt cho loại hình này. Một trong những quốc gia quy định hạn ngạch (quota) bảo vệ gần như tuyệt đối cho điện ảnh nội phát triển là Hàn Quốc.

Chính phủ nước này quy định tỷ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp chiếu phim, giám sát chặt chẽ việc nhập phim, giảm thuế và các chi phí hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn kinh tế đầu tư kinh phí sản xuất cho phim nội địa.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định mục tiêu chính là sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước. Đây cũng là cách khiến Hàn Quốc là một trong số vài quốc gia trên thế giới ít bị ảnh hưởng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim bom tấn Hollywood.

Tại Pháp, việc áp dụng chính sách bảo hộ thể hiện qua chính sách điều tiết thị trường điện ảnh, cụ thể như: nhà nước bắt buộc đầu tư sản xuất nội dung phim điện ảnh trình chiếu trên truyền hình; áp dụng hạn ngạch cho kênh truyền hình có nội dung dành cho những nước châu Âu và nói tiếng Pháp; sắp xếp hệ thống truyền thông; cấp giấy phép cho xây rạp chiếu để điều tiết và cân đối thị trường luôn song hành với kiểm duyệt và phân loại phim...

Trung Quốc cũng có những chính sách hỗ trợ phim nội địa khá nghiêm ngặt, yêu cầu các rạp phim phải chấp hành như: quy định rõ thời gian chiếu phim quốc nội không được ít hơn 2/3 tổng lượng thời gian chiếu phim của rạp trong một năm, dành thời điểm cụ thể trong năm chỉ chiếu phim nội, thành lập quỹ ngân sách đặc biệt hỗ trợ các nhà làm phim...

Nhìn ra thế giới để thấy mỗi nền điện ảnh đều cần những chính sách bảo hộ gắn với thực tiễn để phát triển và đứng vững.

a1-7666-1684893400.png

"Con Nhót mót chồng" - một bộ phim gây chú ý thời gian gần đây.

Tại Việt Nam, Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh.

Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. Để điện ảnh phát triển như một ngành công nghiệp thì cần tuân theo các quy luật kinh tế và có các chính sách phù hợp với thực tiễn thị trường.

Theo đó, để thực thi được tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam bắt buộc tại rạp, còn phụ thuộc vào quy luật thị trường và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu khán giả, thu hút đông người xem, phim Việt mới có vị trí, suất chiếu nhiều để trụ rạp như mong muốn.

Đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ của nhà nước để "vực dậy" hệ thống rạp chiếu nội địa với các giải pháp như: khơi thông hợp tác công-tư, nguồn lực xã hội để hỗ trợ rạp nội địa; chính sách thuế, đất đai để xây dựng cụm rạp của người Việt, cho người Việt...

Mặt khác, cũng cần có chính sách khuyến khích phát hành phim Việt Nam tại nước ngoài, góp phần đưa tác phẩm điện ảnh Việt đến với đông khán giả hơn.

THÁI AN

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/can-chinh-sach-bao-ho-tot-hon-cho-phim-viet-a10228.html