Loại nấm được ví là "vàng đen": Ẩn sâu 2m dưới lòng đất nơi có nồng độ CO2 cao, tỷ lệ sinh trưởng dưới 1%

Giá bán trên thị trường của loại nấm này lên tới 70 triệu đồng Việt Nam cho 1kg.

Loại nấm mọc dưới đất hình dáng giống trái cây

Trong những khu rừng tre ở miền nam Trung Quốc, tồn tại một loại nấm mọc dưới đất hình dáng giống với trái cây. Trước đây không được chú ý nhưng hiện nay đã trở thành dược liệu hiếm có và quý giá, được biết đến với cái tên Wuling Ginseng hoặc được gọi là "hắc nhân sâm Ô linh".

Hắc nhân sâm Ô linh hay còn gọi là nấm Ô linh thực sự không phải là một loại sâm, nhưng do có những tác dụng tốt đối với sức khỏe, nó thường được nhắc đến như một loại sâm. Tuy nhiên, đây thật ra là một loại nấm với tên khoa học là Xylaria nigripes (Klotzsch) Cooke. Nấm này thường phát triển trong các tổ kiến trắng hoang phế và nằm ẩn sâu dưới lòng đất.

Loại nấm được ví là

Loại nấm này mọc dưới đất có hình dáng giống quả. (Ảnh: Sohu)

Trước đây, trong quá trình đào tổ mối, mọi người thường tập trung vào việc tận dụng mối chúa để ngâm rượu bởi giá trị dược liệu cao của chúng, mà không mấy quan tâm tới loại nấm quý hiếm này. Chỉ gần đây, qua nghiên cứu khoa học, người ta mới phát hiện ra rằng loại nấm này có những lợi ích vô cùng to lớn đối với sức khỏe.

Sâm Ô linh thường được phát hiện trong các tổ mối hoang phế ẩn mình sâu từ 0,5 đến 2 mét dưới đất. Nấm này chủ yếu mọc ở những nơi có đất đồi ấm áp hoặc trên các sườn đồi gần bờ sông.

Nấm sâm Ô Linh có hình dạng tương tự như củ khoai màu đen thẫm, nhưng hình dạng lại tròn hơn. Bề mặt của nấm cứng vừa phải, và ở phía cuối của nấm có những rễ mọc dài giống như đuôi chuột.

Loại nấm được ví là

Nấm sâm Ô Linh có hình dạng tương tự như củ khoai màu đen thẫm. (Ảnh: Sohu)

Do tính hiếm có và giá trị cao, sâm Ô Linh còn được mệnh danh là "vàng đen", bởi lớp vỏ ngoài màu đen và phần thịt bên trong màu trắng. Kích thước trung bình của chúng rơi vào khoảng từ 1cm đến 7cm về đường kính và từ 4cm đến 10cm về chiều dài, với một số quả nấm lớn có thể to bằng bàn tay.

Nấm Sâm Ô linh thường mọc đơn lẻ nhưng đôi khi cũng có thể thấy chúng mọc thành nhánh từ rễ. Mỗi cây nấm có chiều cao từ 3,5 đến 16cm. Ruột của nấm ban đầu màu trắng và đặc, nhưng theo thời gian sẽ biến đổi thành màu tối hơn. Cuống nấm dài từ 1,5 đến 7cm, với đường kính từ 1 đến 2,5 mm, có rãnh dọc và phần rễ đâm sâu vào trong đất tạo thành hạch nấm. Đầu nấm hình trụ, đỉnh tròn và tù, bên ngoài cuống có màu nâu xám khi nấm còn non và chuyển dần sang màu đen khi trưởng thành.

Loại nấm được ví là

Nấm sâm Ô linh thường mọc đơn lẻ nhưng đôi khi cũng có thể thấy chúng mọc thành nhánh từ rễ. (Ảnh: Sohu)

Hắc nhân sâm Ô linh thực chất là dạng xơ cứng được tạo ra từ các sợi nấm thuộc loài C. serrata, và nó được coi là một trong những dược liệu quý của Trung Quốc với giá trị dược học cao. Loại dược liệu này thường được tìm thấy ở các tỉnh như Vân Nam, Tứ Xuyên, Chiết Giang... Mới đây, trong quá trình khai thác mối chúa ở Việt Nam, người ta cũng đã tìm thấy sâm ô kinh ở một số tỉnh của Tây Nguyên.

Loại nấm có giá trị không kém nhân sâm và đông trùng hạ thảo

Sâm Ô linh, một vị thuốc quý trong Đông Y có giá thành cao, được biết đến với những công dụng như bổ gan, tốt cho dạ dày, giúp an thần, chữa chứng mất ngủ, cầm máu, hạ huyết áp và điều trị vết bỏng.

Y học hiện đại cũng nhìn nhận nó có công dụng tăng cường chức năng thận, cải thiện chất lượng giấc ngủ và hệ thống miễn dịch, có giá trị sức khỏe không hề kém cạnh so với nhân sâm và đông trùng hạ thảo.

Loại nấm được ví là

Do tính hiếm có và giá trị cao, sâm Ô Linh còn được mệnh danh là "vàng đen". (Ảnh: Sohu)

Nấm Ô linh có khả năng hỗ trợ trong việc điều trị viêm dạ dày, giúp giảm đau hiệu quả cho những người mắc các bệnh loét dạ dày và đau dạ dày. Nó cũng có thể được áp dụng trong việc chữa trị các triệu chứng của viêm dạ dày mãn tính.

Hắc nhân sâm Ô linh giàu có các axit amin và protein cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều loại vitamin, canxi, phốt pho, axit ribonic và các chất khác. Sản phẩm không chỉ có hàm lượng protein cao hơn mà còn bao gồm tám loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người. Nó cũng giúp lợi tiểu, tốt cho lá lách và dạ dày, và có thể được sử dụng trong việc điều trị bệnh về thận.

Nấm Ô Linh là một loại thảo mộc quý giá và bổ dưỡng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng được nhiều người biết đến. Trong thành phần của nấm Ô linh có chứa các nguyên tố vi lượng như polysacarit, protein, sắt, mangan và selenium. Đặc biệt, hoạt chất Selenium có khả năng ức chế các tế bào ung thư, hỗ trợ trong việc phòng chống và chống lại bệnh ung thư.

Loại nấm được ví là

Nấm Ô linh là một vị thuốc quý trong Đông Y có giá thành cao. (Ảnh: Sohu)

Hoạt chất polysacarit trong nấm Ô Linh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, không chỉ với tác dụng điều hòa miễn dịch không đặc hiệu mà còn giúp hạ đường huyết, giảm cholesterol, ngăn chặn hình thành cục máu đông và kháng nôn. Vì thế, nấm này có thể được dùng để giảm lượng đường trong máu và phòng chống ung thư. Bên cạnh đó, sâm Ô Linh còn có ích cho những người mắc chứng mất ngủ, chán ăn, hay các phụ nữ gặp vấn đề về ít sữa hoặc mất sữa.

Những bộ phận sử dụng được nấm Ô linh gồm phần thân có đặc tính dai và cứng, nổi bật với giá trị sử dụng trong ngành y học. Thành phần này thường được thu thập và xử lý để tạo nên các sản phẩm dược phẩm, có ích trong việc điều trị và duy trì sức khỏe.

Quả của nấm Ô Linh thường được dùng làm thực phẩm trong nấu ăn, có thể chế biến thành các món ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng.

Nấm Ô Linh còn có thể được biến đổi thành các dạng chiết xuất và tinh chất thông qua quy trình tách chiết, giúp lấy ra các thành phần có lợi từ nấm. Các chiết xuất và tinh chất này sau đó có thể được áp dụng trong sản xuất các loại thuốc, sản phẩm làm đẹp và các mặt hàng chăm sóc sức khỏe khác.

Loại nấm được ví là

Nấm Ô linh đặc biệt khó tìm bởi chúng có những yêu cầu rất cao về điều kiện môi trường sống. (Ảnh: Sohu)

Nấm Ô linh đặc biệt khó tìm bởi chúng có những yêu cầu rất cao về điều kiện môi trường sống, chủ yếu chỉ mọc trong các tổ mối cánh đen đã bị bỏ hoang và không phải ở mọi tổ mối cánh đen đều có thể phát triển được nấm này.

Nấm Ô linh mọc trong điều kiện môi trường đặc thù, chỉ phát triển ổn định ở nhiệt độ khoảng từ 22 đến 28 độ C và ở độ cao từ 600 mét đến 1.000 mét so với mực nước biển. Nồng độ carbon dioxide trong môi trường cũng phải cao để nấm có thể nảy mầm. Sự xuất hiện của loại nấm này rất ngẫu nhiên và tỷ lệ sinh trưởng của chúng dưới 1%, dẫn đến việc nấm Ô linh ngày càng trở nên hiếm hoi.

Ở Trung Quốc, sâm Ô linh là một loại thảo dược rất hiếm và quý giá, có giá bán trên thị trường khoảng 20.000 NDT cho mỗi kilogram (tương đương với khoảng 70 triệu đồng Việt Nam) đối với những cây thuộc loại một.

Do giá trị kinh tế cao của nấm, người dân thường xuyên tìm kiếm chúng, thậm chí làm suy giảm dần số lượng, khiến cho việc tìm thấy chúng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nguyệt Phạm (Tổng hợp)

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/loai-nam-duoc-vi-la-vang-den-an-sau-2m-duoi-long-dat-noi-co-nong-do-co2-cao-ty-le-sinh-truong-duoi-1-a102489.html