Tàu điện không ray của Trung Quốc không đạt yêu cầu, nước Đông Nam Á quyết định "trả hàng"

Theo The Jakarta Post, Indonesia sẽ trả lại các đoàn tàu tự hành (ART) của Trung Quốc do không đạt yêu cầu khi thử nghiệm vào tháng 9 và tháng 10 tại thủ đô tương lai Nusantara.

ART là sự kết hợp giữa xe buýt, tàu hỏa và xe điện; Indonesia sẽ trả lại các đoàn tàu ART cho Trung Quốc; ART ó thể đóng góp vào sự phát triển bền vững nếu đáp ứng được các nhu cầu cụ thể.

Là sự kết hợp giữa tàu hỏa, xe điện và xe buýt, ART là một hệ thống giao thông công cộng thông minh sử dụng cảm biến và bánh xe cao su, có thể vận hành trên đường sắt hoặc đường bộ. Hệ thống giao thông này do Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRRC) sản xuất.

Tonny Agus Setiono - Giám đốc phát triển hệ sinh thái số thuộc chính quyền Nusantara - cho biết, chính quyền thành phố này vẫn đang thảo luận với Bộ Giao thông vận tải Indonesia về kế hoạch trả lại các đoàn tàu ART cho Trung Quốc.

"Việc trả lại sẽ được thực hiện trong năm nay. Tuy nhiên, việc có tiếp tục [dự án] hay không còn tùy thuộc vào Bộ Giao thông Vận tải", Tonny cho biết vào ngày 9/11.

Tàu điện không ray của Trung Quốc không đạt yêu cầu, nước Đông Nam Á quyết định "trả hàng"- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo (người mặc áo trắng đứng ngoài cùng bên phải) trải nghiệm hệ thống đường sắt tự hành (ART) do Trung Quốc sản xuất tại thủ đô mới Nusantara. Ảnh: Cục Báo chí Tổng thống Indonesia

Thử nghiệm không đạt yêu cầu

Theo tờ The Jakarta Post, chính quyền thủ đô tương lai Nusantara của Indonesia đã tiến hành thử nghiệm tàu ART từ ngày 12/9 đến ngày 22/10 tại quận trung tâm thành phố.

Mohammed Ali Berawi - Phó giám đốc chuyển đổi kỹ thuật số và xanh thuộc chính quyền Nusantara - cho biết, nhóm đánh giá phát hiện ra rằng chế độ tự động của tàu ART không hoạt động như mong đợi vì vẫn cần sự can thiệp trực tiếp từ người lái trong các tình huống khẩn cấp.

Ông cũng lưu ý rằng người lái vẫn cần giữ tay trên vô lăng và sẵn sàng chuyển từ chế độ điều khiển tự động sang chế độ điều khiển thủ công.

Ngoài ra, không thể lập trình cho những kịch bản về tốc độ hoặc phanh tùy theo các tuyến đường cụ thể. Hệ thống phanh cũng không chứng minh được khả năng tự động phanh, giảm tốc độ hoặc đưa ra cảnh báo khi có chướng ngại vật hoặc vật thể băng qua phía trước tàu ART, Ali nói với trang kompas.com vào ngày 7/11.

Về kế hoạch trả lại hệ thống ART, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết nước này sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào nếu dự án bị dừng lại vì nhà cung cấp tàu ART chịu chi phí thử nghiệm.

Budi Rahardjo - người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải Indonesia - cho biết, cơ quan của ông không có vấn đề gì nếu kết quả đánh giá từ chính quyền Nusantara cho thấy tàu tự hành ART không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc.

"Nếu ART được phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá do chính quyền Nusantara đặt ra, thì đó không phải là vấn đề vì nhà nước [Indonesia] sẽ không mất gì cả", Budi cho biết vào ngày 6/11.

Risal Wasal - Tổng giám đốc đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải Indonesia - cho biết, hệ thống tàu ART không đáp ứng các thông số kỹ thuật do chính quyền Nusantara đặt ra và kết quả chứng minh rằng hệ thống tự hành không hoạt động tốt.

Theo The Jakarta Post, dự án phát triển ART tại Nusantara được khởi xướng bởi cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi sau chuyến thăm Trung Quốc vào giữa tháng 1/2024. Dự án lên kế hoạch mua sắm ba đoàn tàu ART trị giá 210 tỷ Rp (13,2 triệu USD).

Hồi tháng 1, Bộ trưởng Budi cho biết mỗi đoàn tàu sẽ chở 307 hành khách và có thể sử dụng đường bộ thay vì phải dựa vào đường ray chuyên dụng. Mặc dù có tốc độ tối đa là 70 km/h, nhưng tàu sẽ được vận hành ở tốc độ 40 km/h.

Ngoài thành phố Nusantara, ông Budi cũng lập kế hoạch phát triển hệ thống ART để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tại điểm du lịch nổi tiếng Kuta trên đảo Bali của Indonesia.

Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông Budi kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia.

Tàu điện không ray của Trung Quốc không đạt yêu cầu, nước Đông Nam Á quyết định "trả hàng"- Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi (người ngồi ghế điều khiển trong bức ảnh bên phải) trải nghiệm tàu tự hành ART ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào tháng 1/2024. Ảnh: Instagram/@budikaryas

Lần thứ ba lựa chọn tàu Trung Quốc

The Jakarta Post đưa tin, các dự án ART tại Nusantara và Bali đánh dấu lần thứ ba Indonesia lựa chọn tàu của Trung Quốc cho hệ thống giao thông công cộng của mình.

Indonesia đã xây dựng mối quan hệ đáng chú ý với Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, bắt đầu với tuyến đường sắt cao tốc Whoosh (HSR) từ Jakarta đến Bandung, bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2023 sau nhiều năm chậm tiến độ.

Một công ty con của công ty đường sắt nhà nước PT Kereta Api Indonesia (KAI) cũng đã ký một thỏa thuận hồi tháng 2/2024 với công ty CRRC Sifang Co. Ltd. thuộc Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRRC) để mua ba đoàn tàu với giá 783 tỷ Rp (gần 50 triệu USD), sẽ được sử dụng để thay thế đội tàu cũ của Tuyến đường sắt Greater Jakarta.

Theo The Jakarta Post, trước đây, Indonesia sử dụng tàu hỏa Nhật Bản cho các dịch vụ vận chuyển đường sắt của nước này.

Tương tự như vậy, Indonesia đã từng chọn Nhật Bản để thực hiện dự án đường sắt cao tốc Whoosh trước khi chuyển sang đối tác Trung Quốc.

Kỳ vọng đóng góp cho sự phát triển giao thông xanh

Tàu tự hành ART được phát triển và sản xuất bởi công ty CRRC Zhuzhou Institute Co Ltd. Hệ thống này đã được ra mắt tại thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, vào ngày 2/6/2017.

Theo NORINCO International - đơn vị hợp tác với CRRC, với tốc độ tối đa 80 km/giờ, đoàn tàu ba toa này có thể chở tối đa 280 hành khách. Nó quét kích thước của một con đường bằng các cảm biến. Đây là một hệ thống giao thông đô thị được coi là sự kết hợp giữa xe buýt, tàu hỏa và xe điện.

ART sử dụng pin lưu trữ Lithium-Titanate mà không cần hệ thống cấp điện trên cao. Hệ thống ART tích hợp các công nghệ tiên tiến như đường ray ảo, hệ thống dẫn đường BeiDou, lái xe tự động và năng lượng pin thuần túy, và đã được triển khai thương mại tại một số thành phố của Trung Quốc và Abu Dhabi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tàu điện không ray của Trung Quốc không đạt yêu cầu, nước Đông Nam Á quyết định "trả hàng"- Ảnh 3.

Thủ đô tương lai Nusantara của Indonesia đã tiến hành thử nghiệm tàu ART từ ngày 12/9 đến ngày 22/10/2024. Ảnh: IKN

Chuyên gia đường sắt Sun Zhang đến từ Đại học Đồng Tế Thượng Hải nói với tờ Global Times (Trung Quốc) rằng đây là một trong những xu hướng phát triển mới trong ngành vận tải đường sắt và một số thành phố của Trung Quốc đang khám phá việc sử dụng chúng do chi phí xây dựng, vận hành và tính linh hoạt thấp hơn so với xe điện có ray.

Thực tế là những chuyến tàu này chạy trên một đường ray vô hình có nghĩa là đường có thể được chia sẻ an toàn với các phương tiện khác, đồng thời lưu ý rằng loại phương tiện mới này có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững nếu đáp ứng được các nhu cầu cụ thể về phát triển kinh tế và xã hội của thành phố Nusantara, Sun cho biết trước thời điểm hệ thống ART được thử nghiệm ở thủ đô tương lai của Indonesia (tháng 9/2024).

Chuyên gia này cho biết thêm, hệ thống ART có thể cung cấp một giải pháp thay thế bền vững và tiết kiệm chi phí cho các hệ thống đường sắt truyền thống tại Indonesia, góp phần vào sự phát triển của giao thông xanh toàn cầu.

Tàu điện không ray thông minh cũng được kỳ vọng sẽ là giải pháp đóng góp cho sự phát triển bền vững của các đô thị đông dân.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tau-dien-khong-ray-cua-trung-quoc-khong-dat-yeu-cau-nuoc-dong-nam-a-quyet-dinh-tra-hang-a102517.html