Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Miếng bánh rất lớn, nhưng...

Khẳng định cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt Nam "thay da đổi thịt" trong dự án đường sắt tốc độ cao rất lớn, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần bắt tay để đảm đương dự án mang tính biểu tượng của đất nước. Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà.

Trận địa công nghệ mới cho doanh nghiệp Việt

Ngày 19/11, Báo Giao thông tổ chức Tọa đàm “ Đường sắt tốc độ cao : Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt".

Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT ) - cho biết, đường sắt tốc độ cao là dự án đặc biệt lớn và có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, tới hơn 18 năm. Đây là dự án chưa từng có tại Việt Nam và là một trong những dự án có chiều dài lớn nhất trên thế giới.

Nghiên cứu của đơn vị tư vấn đã chỉ ra, vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng, xây dựng khoảng 33 tỷ USD (trong tổng mức đầu tư 67 tỷ USD) cùng với đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện…

“Chúng ta phải làm chủ về nguồn vốn để tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Do đó, đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước”, ông Phương chia sẻ.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Miếng bánh rất lớn, nhưng...- Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - khẳng định, cơ hội cho doanh nghiệp Việt rất lớn trong dự án đường sắt tốc độ cao.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, với khối lượng xây lắp, xây dựng rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD, đây là cuộc cách mạng, "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng trong nước.

Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, cầu dây văng thì các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên.

Tuy nhiên, với dự án đường sắt tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.

Cần bắt tay, cùng làm

Nói về tính phức tạp của dự án đường sắt tốc độ cao, ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc TEDI, đơn vị tư vấn dự án - cho rằng, hệ thống đường sắt khác đường bộ ở chỗ tính phức tạp cao hơn và làm việc theo hệ thống, bao gồm nhiều bộ phận cấu thành như hạ tầng, thông tin tín hiệu, thiết bị, cấp điện…

Về phần xây dựng, cả đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc đều có kết cấu hạ tầng nền đường, cầu, hầm. Chỉ riêng về tốc độ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thiết kế tốc độ chạy tàu là 350km/h; đường bộ là 120km/h. Đây đã là sự khác biệt lớn. Tốc độ này là yếu tố hết sức quan trọng, liên quan tới quy định kỹ thuật kết cấu hạ tầng.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Miếng bánh rất lớn, nhưng...- Ảnh 2.

Ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc TEDI.

“Dự án đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong thi công và ý thức cao trong kiểm soát chất lượng. Nếu không sẽ trở thành vấn đề lớn. Như ở Đức, chỉ một chút kiểm soát không tốt với giá chuyển hướng trục đoàn tàu là có thể gây tai nạn khủng khiếp”, ông Vinh cho hay.

Ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đánh giá, đường sắt tốc độ cao là dự án khó, phức tạp. Với kinh nghiệm từng vượt qua những công việc khó chưa từng làm, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp Việt có khả năng đảm đương.

Theo ông Kiên, vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là nguồn nhân lực. Nhiều công trình đường bộ cao tốc đang thiếu lao động. Bên cạnh đó, ông Kiên lo ngại tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu.

"Miếng bánh rất lớn, nhưng nếu doanh nghiệp không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng. Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà", ông Kiên chia sẻ.

Đồng tình quan điểm này, ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công ty công trình đường sắt - nói về định hướng doanh nghiệp Việt phải đứng đầu trong liên danh, nhưng có những khâu đòi hỏi nhân sự có chuyên môn. Để đào tạo kỹ sư đại học cần tới 4-5 năm, thêm 3 năm thực hành tại hiện trường, tức là cần tới 7-8 năm để đào tạo một kỹ sư.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Miếng bánh rất lớn, nhưng...- Ảnh 3.

Ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình Đường sắt.

Theo ông Phương, cần nhìn nhận thực tế, nếu Quốc hội thông qua chủ trương trong kỳ họp này, trong 2 năm tới nếu dự án khởi động thì đào tạo nhân lực cũng khó đáp ứng kịp, cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới. Đặc biệt, ngay bây giờ, các doanh nghiệp cần hướng tới nhóm cùng nghiên cứu và phân chia công việc theo thế mạnh từng đơn vị.

"Chúng ta cần suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề chứ không phải thể hiện năng lực thi công ở đây. Chúng ta có giỏi mấy, có nhiều tiền mấy nhưng với doanh nghiệp Việt khi tiếp cận dự án 33 tỷ USD, phần đối ứng cũng rất nhỏ bé.

Các nhà thầu Việt Nam cần tập trung vào thế mạnh của mình để chuẩn bị, đi tắt đón đầu và tạo nên sự đồng nhất, đồng bộ giữa các nhà thầu tham gia. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ hơn thì 2 năm tới khởi động dự án là rất khó", ông Phương nói.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-mieng-banh-rat-lon-nhung-a102651.html