Đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của ông Trump sau khi tái đắc cử, khiến doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, kỳ vọng xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2024 sẽ đạt mục tiêu 4 tỷ USD.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Tình hình xuất khẩu sang tất cả các thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng hai con số trong tháng, theo Mekongsan.
Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, tôm xuất khẩu mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong trong tháng 10/2024 đạt 91 triệu USD, tăng 44% YoY. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ.
nhập khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông tháng 10 năm nay đạt 91 triệu USD, tăng 44%. Tính lũy kế tới tháng 10/2024, XK tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang thị trường này khả quan hơn, đặc biệt xuất khẩu mặt hàng tôm hùm tăng mạnh 157% đạt 298 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay. Chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tháng 10 năm nay đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17%. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này thu về 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu tôm vào Mỹ từ top 3 nguồn cung chính đều giảm, điều này làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tâm lí thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, tình trạng cung vượt cầu đã được cân bằng trở lại. Nên nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ cao hơn và giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.
Đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của ông Trump sau khi tái đắc cử, khiến doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, để tích trữ hàng trước thuế. Nên trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong đó có tôm sẽ tiếp tục tăng.
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 10 sang 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận tăng trưởng dương lần lượt 18% và 28%, sau khi lên xuống thất thường trong những tháng trước đó.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng 32% trong tháng 10, lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 408 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường EU khá ổn định trong năm nay, tăng trưởng dương liên tục kể từ tháng 4 năm nay.
Số liệu xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu khả quan ở từng thị trường nhập khẩu. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu.
Tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo VASEP, năm 2023, biến động kinh tế, địa chính trị thế giới, lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường chính giảm. Bên cạnh đó, sản lượng tôm toàn cầu tăng, xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh, theo Dân việt.
Năm 2024, tất cả các yếu tố bất lợi trên đều đã có sự thay đổi tích cực hơn: Lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính tăng, sản lượng tôm không tăng “nóng” như năm trước, giá tôm thế giới có chiều hướng tăng. Xuất khẩu tôm của Việt Nam mặc dù còn đối mặt với những thách thức nội tại và khách quan nhưng cũng đã ghi nhận kết quả xuất khẩu đáng khích lệ. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm với.
Với chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump sắp tới, việc bảo hộ hàng sản xuất tại thị trường Mỹ sẽ gia tăng. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thiếp lập và các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ nhiều hơn. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần phải có phương án chủ động sớm; hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ ở nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là việc tự chủ nguyên liệu và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Khánh Linh (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ky-vong-xuat-khau-tom-vuot-moc-4-ty-usd-sau-khi-ong-trump-dac-cu-a102653.html