Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh cho hay Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, là trường đầu tiên đào tạo giáo viên theo mô hình "gửi trường khác" ở Việt Nam.
Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập trên cơ sở ba trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội I và Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian, ban lãnh đạo nhận thấy khó khăn khi hai trường Tổng hợp và Sư phạm gần như trùng lặp về cơ cấu chuyên môn, tổ chức. Vì vậy, tháng 10/1999, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tách ra. Thay vào đó, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập khoa Sư phạm, hai tháng sau đó.
"Sự kiện này đánh dấu ra đời của một mô hình đào tạo giáo viên mới ở Việt Nam, học hỏi mô hình đào tạo giáo viên các môn văn hóa bậc trung học ở các phát triển, thường được gọi là 3+1 hay a+b", ông Thanh nói.
Cụ thể, sinh viên được đào tạo kiến thức cơ bản tại các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội trong ba năm, rồi một năm học nghiệp vụ sư phạm, giáo dục tại trường Đại học Giáo dục. Theo ông, mô hình đào tạo mở này hướng tới sự liên kết trong đại học đa ngành và định hướng nghiên cứu.
Đánh giá a+b là mô hình phù hợp với đào tạo giáo viên các môn văn hóa bậc trung học, trong giai đoạn đầu thành lập, vào năm 2009, trường Đại học Giáo dục chỉ đào tạo giáo viên trung học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử.
Đến nay, trường đào tạo 35 chương trình (17 bậc đại học, 14 thạc sĩ và 4 tiến sĩ), trong đó có những ngành mới, tiên phong trong cả nước như Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục, Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ giáo dục, Đo lường và đánh giá trong giáo dục.
Cách đây 5 năm, trường mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý đầu tiên trong cả nước, để đào tạo giáo viên các môn tích hợp cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện, trường Đại học Giáo dục có khoảng 6.000-7.000 sinh viên mỗi năm, gấp 10 lần giai đoạn mới thành lập, cùng 300 thầy cô và nhân viên. 84% đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có học vị tiến sĩ, gần 30% là giáo sư, phó giáo sư, thuộc diện cao nhất cả nước.
Năm 2023, tổ chức Times Higher Education xếp lĩnh vực Giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội vào nhóm 401-500 thế giới.
"Các trường sư phạm bây giờ cũng cập nhật, đổi mới đào tạo, tuy vậy, cả nước mới chỉ có một cơ sở đào tạo giáo viên và các nhà giáo dục, là trường Đại học Giáo dục", GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên hiệu trưởng sáng lập trường, nói.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn đánh giá trường Đại học Giáo dục đã tạo dựng bản sắc riêng, trở thành một thương hiệu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và quốc tế.
Theo ông Sơn, cách mạng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, sẽ tạo ra nhiều thách thức cho giáo dục. Chưa kể, Việt Nam sẽ là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đây là cơ sở để trường Đại học Giáo dục tìm hướng đi mới ở lĩnh vực giáo dục người lớn.
Đề án quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học xác định trường Đại học Giáo dục là cơ sở đào tạo sư phạm chủ chốt. Ông Sơn nói trường cần đẩy mạnh các mô hình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ; phát triển chương trình học hiện đại trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Thanh Hằng
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/25-nam-dao-tao-giao-vien-theo-mo-hinh-31-a102700.html