Sáng 20-11, TAND TP HCM khai mạc phiên xét xử sơ thẩm đại án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) cùng nhiều tổ chức liên quan.
Thắt chặt an ninh
Theo đánh giá của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đây là một trong những đại án kinh tế, tham nhũng và lạm dụng chức vụ có quy mô đặc biệt lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực trọng yếu là an ninh năng lượng, tài chính và ngân hàng. Vụ án diễn ra trên phạm vi rộng, từ Trung ương đến địa phương, mang tính chất nghiêm trọng và phức tạp, gây tổn thất lớn cho tài sản nhà nước.
Dự kiến, phiên toà sẽ kéo dài trong 12 ngày và kết thúc vào ngày 5-12.
Từ sáng sớm, công tác an ninh tại khu vực xét xử của TAND TP HCM đã được thắt chặt. Lực lượng chức năng bố trí nhiều chốt kiểm soát xung quanh tòa án, đảm bảo trật tự và an toàn tuyệt đối cho phiên tòa. Các phóng viên và người tham dự phải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được vào phòng xử án.
Sáng tỏ từ đơn tố giác
Vụ án Xuyên Việt Oil được được hé lộ bắt đầu từ lá đơn tố giác bất ngờ vào ngày 21-8-2023. Ba cá nhân tự xưng là nhân viên của Xuyên Việt Oil đã đưa ra một bản cáo buộc chi tiết, vạch trần bà Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV công ty, với hàng loạt hành vi lạm dụng quyền lực và gian dối để chiếm đoạt số tài sản khổng lồ. Theo nội dung tố cáo, bà Hạnh đã thao túng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát số tiền khổng lồ.
Ngày 24-8-2023, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với đơn tố giác nêu trên.
Đến ngày 8-9-2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc Xuyên Việt Oil) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự vì đã thực hiện hành vi vi phạm quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tiền Quỹ BOG và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Từ kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, ngày 18-9-2024, VKSND Tối cao ban hành cáo trạng số 8854, cáo buộc bà Mai Thị Hồng Hạnh đã thực hiện 22 lần hối lộ, với tổng số tiền hơn 31,5 tỉ đồng, để Xuyên Việt Oil được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, bỏ qua các sai phạm liên quan đến Quỹ BOG và nợ thuế, cũng như xin phê duyệt tín dụng tại ngân hàng. Từ năm 2016 đến năm 2022, bà Hạnh và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 219 tỉ đồng từ Quỹ BOG và 1.244 tỉ đồng từ tiền thuế bảo vệ môi trường.
VKSND Tối cao truy tố bà Mai Thị Hồng Hạnh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự và tội "Đưa hối lộ" theo khoản 4 Điều 364 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Danh sách các quan chức "nhúng chàm"
Trong số 15 cá nhân bị đưa ra xét xử trong vụ án này, nổi bật là các cựu quan chức gồm: Đỗ Thắng Hải (cựu thứ trưởng Bộ Công Thương); Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre); Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương); Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương); Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP HCM); Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối lọc dầu Nghi Sơn); Nguyễn Lộc An (cựu phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương); Đặng Công Khôi (cựu Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính).
Những người này cùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo các điểm a, c khoản 2,3 Điều 354 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên tới tử hình.
Riêng ông Lê Đức Thọ phải đối mặt thêm với cáo buộc về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điểm a khoản 4 Điều 358 Bộ Luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất lên tới tù chung thân.