Điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng… là những thiết bị công nghệ được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống và hiếm khi chúng được nghỉ ngơi và khởi động lại.
Có trường hợp, chỉ khi các thiết bị công nghệ gặp trục trặc, người dùng mới nghĩ đến việc bấm nút khởi động lại.
Chuyên gia gợi ý rằng nên khởi động lại thiết bị một cách có quy luật hơn để đảm bảo chúng hoạt động tốt nhất có thể. Tuy nhiên, phụ thuộc vào thiết bị mà tần suất khởi động lại có thể khác nhau.
1. Điện thoại thông minh (Smartphone)
Đây là thiết bị gắn liền trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người chỉ khởi động lại smartphone như là một biện pháp khi điện thoại có vấn đề gì đó.
Người dùng được khuyên nên khởi động lại smartphone thường xuyên hơn, với tần suất ít nhất 1 lần/tuần.
Việc khởi động lại sẽ giải quyết được các trục trặc, đóng các chương trình lỗi và giải phóng bộ nhớ RAM để thiết bị có thể chạy trơn tru.
Ngoài ra, smartphone cũng cần được khởi động lại ngay sau khi cập nhật hệ điều hành hoặc ứng dụng, khi gặp vấn đề kết nối mạng, khi ứng dụng bị treo...
2. Máy tính cá nhân (PC)
Hầu hết máy tính đều có ba mức trạng thái năng lượng khi không sử dụng (ngủ, ngủ đông và tắt máy), tuy nhiên nhiều người lại thích chọn chế độ ngủ.
Người dùng được khuyến cáo nên tắt máy tính hoàn toàn ít nhất theo tần suất 1 lần/tuần bởi điều này sẽ giúp máy tính hoạt động nhanh hơn nhờ giảm bộ nhớ đệm từ các ứng dụng liên tục được lưu trữ ở chế độ nền.
Ngoài ra, giống như smartphone, PC cần được khởi động lại ngay sau khi cài đặt phần mềm mới, khi hệ thống hoạt động chậm chạp...
3. Thiết bị mạng (Router/Modem)
Router được thiết kế để bật 24/7 nhưng thỉnh thoảng chúng cần được khởi động lại, với tần suất được khuyến cáo mỗi tháng một lần.
Bên cạnh đó, khởi động lại router cũng có thể là một cách để ngăn việc bị tấn công mạng.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, thiết bị cần được khởi động lại khi mạng không hoạt động ổn định hay sau khi thay đổi cài đặt mạng...
* Tầm quan trọng của việc khởi động lại thiết bị
- Giải phóng RAM: Khi bạn sử dụng ứng dụng trên thiết bị, chúng tiêu tốn một lượng RAM nhất định. Khởi động lại có thể giải phóng bộ nhớ đã bị chiếm đóng, giúp thiết bị hoạt động mượt mà hơn.
- Cập nhật hệ thống: Nhiều bản cập nhật hệ điều hành và phần mềm yêu cầu khởi động lại để hoàn tất quá trình cài đặt. Điều này giúp bảo mật và tối ưu hóa hiệu suất của thiết bị.
- Khắc phục lỗi phần mềm: Đôi khi các ứng dụng hoặc hệ điều hành gặp lỗi do xung đột phần mềm. Việc khởi động lại có thể giải quyết tạm thời các vấn đề này.
- Nâng cao tuổi thọ thiết bị: Nhờ việc giải phóng tài nguyên và xử lý các lỗi, khởi động lại giúp thiết bị hoạt động ổn định hơn và có thể gia tăng tuổi thọ.
Minh Đức (T/h)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/khoi-dong-lai-thiet-bi-cong-nghe-khong-phai-cu-thich-la-lam-a102907.html