FPT và McKinsey: Chiến lược đưa doanh nghiệp Việt đến tầm cao mới với hệ sinh thái thông minh liên ngành

Kỷ nguyên số đang tạo nên những phương thức sản xuất mới, chuyển đổi cách thức các doanh nghiệp vận hành và phát triển. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và tham gia vào hệ sinh thái thông minh liên ngành không chỉ là một xu hướng mà trở thành một chiến lược sống còn của doanh nghiệp.

Trao đổi giữa ông Trần Huy Bảo Giang , Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT và ông Fumiaki Katsuki , Giám đốc hợp danh tại McKinsey & Company, đã đưa ra những góc nhìn và khuyến nghị về việc tham gia hệ sinh thái thông minh liên ngành chính là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua giới hạn truyền thống, tối ưu hóa giá trị từ công nghệ và dữ liệu, đồng thời mở ra những cơ hội tăng trưởng bền vững.

Theo ông Trần Huy Bảo Giang, hệ sinh thái thông minh liên ngành không đơn thuần chỉ là một mạng lưới kết nối các ngành nghề. Đây là cách doanh nghiệp định hình lại cách vận hành, từ việc tối ưu hóa quy trình nội bộ đến tham gia vào một không gian giá trị lớn hơn, tái định hình mô hình kinh doanh. Ông chia sẻ: "Câu hỏi lớn mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường đặt ra là làm thế nào để sử dụng công nghệ không chỉ cho mục tiêu tối ưu hóa mà còn tạo nên những bước nhảy vọt vượt xa mong đợi. Câu trả lời luôn nằm ở việc doanh nghiệp cần kết nối và hợp tác trong một hệ sinh thái lớn hơn chính mình – nơi giá trị được tạo ra không chỉ cho bản thân doanh nghiệp đó mà còn cho khách hàng và toàn bộ thị trường " .

FPT và McKinsey: Chiến lược đưa doanh nghiệp Việt đến tầm cao mới với hệ sinh thái thông minh liên ngành- Ảnh 1.

Ông Trần Huy Bảo Giang - Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT.

Minh họa rõ hơn, ông Giang cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ sinh thái thông minh là hai trụ cột chiến lược mà FPT đã đầu tư mạnh mẽ. Các nền tảng như DC5, FPT.AI, FPT Payment v.v không chỉ mang lại giá trị vượt trội cho khách hàng và đối tác mà còn minh chứng cho cam kết dài hạn của FPT trong vai trò thúc đẩy công cuộc xây dựng phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số" tại Việt Nam.

Từ góc nhìn toàn cầu, ông Fumiaki Katsuki bổ sung rằng sự phát triển của các hệ sinh thái thông minh là không thể tránh khỏi trong bối cảnh công nghệ và dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh: "Sự nổi lên của các hệ sinh thái thông minh là điều tất yếu và sẽ tăng tốc trong tương lai. Với chi phí công nghệ ngày càng giảm và khả năng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua dữ liệu, các doanh nghiệp có cơ hội chưa từng có để định hình lại cách họ vận hành và tạo ra giá trị mới ."

Một hệ sinh thái thông minh liên ngành bao gồm nhiều cấu phần quan trọng, từ công nghệ, dữ liệu đến các ngành nghề tham gia. Dữ liệu được coi là “huyết mạch” của hệ sinh thái liên ngành, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng và cung cấp các giải pháp cá nhân hóa. Trong khi đó, ngành ngân hàng giữ vai trò trung tâm, ví như một "nhạc trưởng", khi họ không chỉ kết nối dòng tiền mà còn tạo điều kiện để các ngành khác như bảo hiểm, bất động sản hay thương mại điện tử cùng tham gia. Theo ông Fumiaki Katsuki, các ngân hàng tại Việt Nam đang đóng vai trò điều phối, kết nối các lĩnh vực và xây dựng những dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng. Có thể nói, các ngân hàng đang dần chuyển mình từ vai trò người tham gia thành nhà điều phối hoặc thậm chí tự xây dựng hệ sinh thái của riêng mình.

FPT và McKinsey: Chiến lược đưa doanh nghiệp Việt đến tầm cao mới với hệ sinh thái thông minh liên ngành- Ảnh 2.

Ông Fumiaki Katsuki - Giám đốc hợp danh tại McKinsey & Company

Tuy nhiên, ông Fumiaki Katsuki nhấn mạnh rằng hệ sinh thái này không chỉ dựa vào vai trò của một ngành mà cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính, logistics đến sản xuất. Sự phối hợp này tạo ra mạng lưới giá trị liên kết, nơi mà các bên cùng hưởng lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ, một ngân hàng có thể hỗ trợ các nền tảng thương mại điện tử bằng giải pháp thanh toán nhanh gọn, không chỉ mang lại thuận lợi cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng phát triển hệ sinh thái bền vững.

Để hệ sinh thái thông minh vận hành hiệu quả thì dữ liệu là yếu cốt lõi. Ai sở hữu và tận dụng dữ liệu hiệu quả sẽ là người dẫn đầu trong dài hạn. Dữ liệu không chỉ giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng mà còn mở ra những cơ hội tăng trưởng không giới hạn , ông Fumiaki Katsuki nhận định.

FPT và McKinsey: Chiến lược đưa doanh nghiệp Việt đến tầm cao mới với hệ sinh thái thông minh liên ngành- Ảnh 3.

Ông Trần Huy Bảo Giang - Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT và ông Fumiaki Katsuki - Giám đốc hợp danh tại McKinsey & Company trao đổi về hệ sinh thái thông minh tại FPT Techday 2024.

Điều quan trọng là việc thu thập và sử dụng dữ liệu không đơn giản chỉ là vấn đề công nghệ. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các nền tảng dữ liệu mạnh mẽ, có khả năng phân tích và chuyển hóa dữ liệu thành thông tin giá trị. Ông Fumiaki Katsuki kết luận, ba yếu tố cốt lõi để một hệ sinh thái này thành công là sự phá vỡ ranh giới ngành nghề, sự gắn kết khách hàng sâu sắc hơn và khả năng sở hữu dữ liệu.

Ông Trần Huy Bảo Giang bổ sung rằng tốc độ là yếu tố quyết định trong việc triển khai. Ông nhấn mạnh: " Doanh nghiệp cần xác định rõ vấn đề cốt lõi, tập trung giải quyết triệt để và nhanh chóng hành động. Đây là cách duy nhất để tận dụng tối đa cơ hội trong một thị trường đang thay đổi từng ngày."

Xây dựng hệ sinh thái thông minh liên ngành là một hành trình dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo doanh nghiệp. Đây không chỉ là một chiến lược mà còn là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam đạt được sự đột phá trong kỷ nguyên số. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt sự phát triển của các hệ sinh thái thông minh, định hình một tương lai bền vững trong nền kinh tế số.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/fpt-va-mckinsey-chien-luoc-dua-doanh-nghiep-viet-den-tam-cao-moi-voi-he-sinh-thai-thong-minh-lien-nganh-a102935.html