Quản lý đặc thù thể thao điện tử

Riêng ở Việt Nam, thị trường game điện tử trong năm 2024 dự đoán đạt 456,5 triệu USD và tăng lên 586 triệu USD vào năm 2027 với 5,8 triệu người chơi

Tuần qua, trong khuôn khổ diễn đàn công nghệ thường niên Techday 2024 do FPT tổ chức, các nhà quản lý và chuyên gia cùng thảo luận về trò chơi điện tử với danh nghĩa thể thao điện tử (Esports).

Game là một loại hình giải trí điện tử nên tốt xấu, lợi hại là tùy cách người ta chơi nó. Tuy nhiên, Esports thật ra không phải là một thể loại game mà là cách người ta đưa game vào những cuộc thi đấu có tổ chức, đặc biệt là giữa những người chơi chuyên nghiệp. Không phải bất cứ game nào cũng có thể tham gia Esports. Esports đã được thế giới công nhận với ý nghĩa các cuộc thi đấu bằng game điện tử. Đã có nhiều sự kiện, giải đấu quốc tế thường niên về Esports, kể cả giải Vô địch Thế giới. Thậm chí nó cũng bắt đầu được đưa thành một nội dung thi đấu chính thức tại những sự kiện thể dục thể thao lớn. Ở châu Á thì có SEA Games (từ SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines), ASIAD (từ ASIAD 19 năm 2023 tại Trung Quốc)...

Về kinh tế, Esports là một nguồn doanh thu cao đầy hứa hẹn. Statista dự báo thị trường Esports thế giới sẽ đạt quy mô 4,3 tỉ USD vào năm 2024. Chỉ có điều, chiếm tới hơn 50% trong tổng doanh số này lại đến từ thị trường cá cược Esports (khoảng 2,5 tỉ USD vào năm 2024).

Riêng ở Việt Nam, thị trường game điện tử trong năm 2024 dự đoán đạt 456,5 triệu USD và tăng lên 586 triệu USD vào năm 2027 với 5,8 triệu người chơi. Thực tế, với lợi thế về mạng internet và đội ngũ phát triển, Việt Nam có thể kiếm tiền một cách "lành mạnh" từ Esports với việc phát triển, cung cấp game và các dịch vụ chơi game phục vụ cho Esports trong nước lẫn quốc tế. Thế nhưng, nhiều năm nay, Esports ở Việt Nam vẫn đang mày mò, tìm giải pháp, vận động để có được sự chính danh, xóa bỏ định kiến... tiến tới được xã hội nhìn nhận. Có lẽ, đã đến lúc nên có cái nhìn đúng đắn hơn và sòng phẳng về Esports trên cơ sở phân biệt rõ với trò chơi điện tử thông thường. Và Esports cần phải có sự quản lý đặc thù, trong đó có quản lý về nội dung game. Vấn đề nằm ở chỗ các nhà tổ chức các sự kiện và ý thức của người chơi.

Quan trọng sống còn là không vì lợi ích kinh tế mà chấp nhận một sự đánh đổi tương lai. Game điện tử vẫn cần phải được quản lý một cách hữu hiệu nhất có thể. 

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/quan-ly-dac-thu-the-thao-dien-tu-a103134.html