Hàng chục nghìn tấn ‘vàng trên cây’ từ Indonesia đổ bộ Việt Nam: Toàn cầu liên tục khan hiếm, nước ta nắm trùm với 60% sản lượng

Nguồn cung sụt giảm từ nước ta đang gây tác động lớn đến giá trên toàn thế giới.

Hàng chục nghìn tấn ‘vàng trên cây’ từ Indonesia đổ bộ Việt Nam: Toàn cầu liên tục khan hiếm, nước ta nắm trùm với 60% sản lượng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việt Nam đang nắm giữ một loại hạt tỷ đô quan trọng của thế giới với 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu là mặt hàng hồ tiêu (hạt tiêu). Tuy nhiên theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện tượng thời tiết khô hạn kéo dài đã khiến sản lượng hồ tiêu của nước ta giảm 10% trong năm nay, xuống còn khoảng 170.000 tấn.

Nguồn cung sụt giảm từ nước ta đã có tác động lớn tới giá trên toàn cầu. Đỉnh điểm là trong quý II/2024, giá tiêu đen trong nước đã tăng 93% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Việc tăng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.

Dù là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, nước ta vẫn đang phải tăng cường nhập khẩu từ nước ngoài để củng cố vị trí xuất khẩu hàng đầu của thế giới.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 10/2024 Việt Nam đã nhập khẩu 4.818 tấn hạt tiêu, trong đó tiêu đen đạt 4.566 tấn, tiêu trắng đạt 252 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 29,3 triệu USD, tăng mạnh 98,3% so với tháng trước đó. Trong đó, Indonesia tiếp tục là nhà cung cấp chính cho hồ tiêu Việt Nam với thị phần chiếm 82,4%; tiếp theo là Brazil chiếm 10,4%.

Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Olam, Harris Spices, Phúc Sinh, Phúc Thịnh và Trân Châu.

Lũy kế đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 28.596 tấn tiêu các loại, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 triệu USD, tăng 27,1% về lượng và tăng mạnh 78,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng chục nghìn tấn ‘vàng trên cây’ từ Indonesia đổ bộ Việt Nam: Toàn cầu liên tục khan hiếm, nước ta nắm trùm với 60% sản lượng- Ảnh 2.

Đáng chú ý, về thị trường nhập khẩu, Indonesia đã vượt qua Brazil trở thành quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm 36% khối lượng với 10.287 tấn, tăng 257,2% so với cùng kỳ.

Tiếp theo là Brazil đạt 9.013 tấn, giảm 35,5% và Campuchia chiếm đạt 6.695 tấn, tăng 96,7%.

Có thể thấy, tiêu của Indonesia và Campuchia đang được các doanh nghiệp ưa chuộng và nhập khẩu nhiều hơn. Nguyên nhân có thể là do vị trí địa lý gần kề, chi phí vận chuyển thấp. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu năm nay của Indonesia cao hơn năm ngoái và giá giao dịch cũng ít biến động hơn so với các nguồn cung khác.

Về tình hình xuất khẩu, tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. 

Thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD/năm, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032.

Hiện 95% sản lượng hồ tiêu thu hoạch tại Việt Nam được xuất khẩu, lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 5%. Mặc dù Việt Nam vẫn giữ được vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng theo đánh giá từ VPA, ngành hồ tiêu Việt Nam đang chịu cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia khác. Trong đó, Brazil có sự bứt phá trong 5 năm gần đây, xuất khẩu đạt 80.000 tấn năm 2023 và dự báo có thể đạt 100.000 tấn năm 2024.

Hiệp Hội hồ tiêu Việt Nam khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/hang-chuc-nghin-tan-vang-tren-cay-tu-indonesia-do-bo-viet-nam-toan-cau-lien-tuc-khan-hiem-nuoc-ta-nam-trum-voi-60-san-luong-a103191.html