Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới

Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng giá, với đà tăng mạnh từ hai mặt hàng cà phê.

Giá cà phê Arabica tăng 6,64% lên 6.660 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 13 năm rưỡi, giá cà phê Robusta cũng tăng 4,4% lên gần 5.000 USD/tấn. Đây là tuần tăng giá thứ ba liên tiếp của cả hai mặt hàng, được thúc đẩy chủ yếu bởi lo ngại về nguồn cung tại Brazil và Việt Nam.

Tại Brazil, mặc dù lượng mưa tại bang Minas Gerais, vùng trồng cà phê lớn nhất nước này, đã cao hơn 27% so với mức trung bình lịch sử trong tuần trước, thị trường vẫn lo ngại về tình trạng thiếu hụt độ ẩm trong đất đối với vụ mùa 2025 - 2026. Theo Barchart, lượng mưa tại Brazil liên tục thấp hơn mức trung bình kể từ tháng 4, ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa quan trọng và triển vọng vụ mùa cà phê Arabica.

Trong tuần vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil vừa hạ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của nước này xuống còn 66,4 triệu bao loại 60 kg, giảm 3,5 triệu bao so với dự đoán trước đó. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm sản lượng cà phê Arabica do điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong suốt giai đoạn ra hoa và phát triển hạt.

Đồng thời, USDA cũng dự báo xuất khẩu niên vụ 2024 - 2025 sẽ giảm 5% so với dự đoán trước, xuống còn 44,25 triệu bao, thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước. Đáng chú ý, tồn kho cuối vụ 2024 - 2025 được dự báo giảm mạnh 65% so với báo cáo trước, về mức 1,24 triệu bao, trong khi tồn kho cuối niên vụ 2023 - 2024 cũng bị điều chỉnh từ 2,885 triệu bao xuống 1,685 triệu bao.

Tại Việt Nam, thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung. Bên cạnh lo ngại về hiện tượng La Nina có thể xuất hiện vào cuối năm và ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, lượng cà phê sẵn có tại thời điểm bước vào vụ thu hoạch chính 2024 cũng ở mức thấp. Theo Reuters, các thương nhân tại Việt Nam cho biết nhu cầu đang tăng trong khi nguồn cung vẫn hạn chế. Khác với các vụ trước, nông dân năm nay không vội bán cà phê do tình hình tài chính ổn định nhờ doanh thu từ việc bán sầu riêng và hồ tiêu trước đó.

Tình trạng nguồn cung thấp còn được phản ánh qua số liệu xuất khẩu của Tổng cục Hải quan. Theo đó, lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11 chỉ đạt 20.933 tấn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 3% so với 15 ngày đầu tháng 10/2024. Điều này trái ngược với quy luật thông thường khi khối lượng xuất khẩu tháng 11 thường tăng dần do nông dân bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ.

Tại thị trường nội địa, tính đến 11h30 hôm nay (25/11), thị trường cà phê trong nước lấy đà tăng bất ngờ, trung bình tăng mạnh 1.000 đồng/kg, khiến giá dao động trong khoảng 118.800 - 120.000 đồng/kg. Giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 120.000 đồng/kg.

Lâm Đồng vẫn là tỉnh có giá thu mua cà phê thấp nhất tại khu vực Tây Nguyên. So với mức đóng phiên hôm qua, giá cà phê khu vực này đứng ở mốc 118.800 đồng/kg, dù đã nhích tới 800 đồng/kg.

Cùng chiều, giá thu mua cà phê tại tỉnh Gia Lai hôm nay đứng thứ hai trên bảng xếp hạng với mốc tăng 1.000 đồng, niêm yết với giá 119.900 đồng/kg.

Đáng chú ý, Đắk Lắk và Đắk Nông cùng nhau giữ vị trí dẫn đầu tỉnh, thành phố có mức thu mua cà phê cao nhất cả nước trong suốt nhiều ngày qua, đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg, ấn định mốc 120.000 đồng/kg.

Sàn giao dịch cà phê nội địa nối dài chuỗi tăng tới đầu tuần này. Tính tới thời điểm này, giá cà phê trong nước tăng hơn 10.000 đồng/kg, chạm mốc đỉnh 120.000 đồng/kg.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/gia-ca-phe-thiet-lap-muc-dinh-moi-a103682.html