Chuyến làm việc thành công của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Pháp

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có một loạt cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Pháp, Brazil, Canada..., thúc đẩy hợp tác giữa các bên trong nhiều lĩnh vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều 8/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã lên đường tới Cộng hòa Séc, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có một loạt cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước tham dự.

ttxvn-oecd-1686297472.jpeg
Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023 diễn ra từ 7-8/6/2023 tại trụ sở OECD ở thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Tại buổi gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Viera, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Brazil, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao; đề nghị Brazil ủng hộ, thúc đẩy sớm khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các diễn đàn đa phương khác mà hai bên là thành viên tích cực.

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Brazil với vai trò đối tác theo lĩnh vực cũng như giữa ASEAN và Khối MERCOSUR.

ttxvn-viet-nambrazil-1686297472.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Mauro Vieira. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Bộ trưởng Mauro Vieira chúc mừng thành tựu của Việt Nam trong phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Về phương hướng hợp tác thời gian tới, Bộ trưởng Mauro Vieira nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, nhất là việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả, thực chất trên các lĩnh vực.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng cho hòa bình, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới; nhất trí mọi tranh chấp cần được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trân trọng mời Bộ trưởng Vieira sớm sang thăm Việt Nam, Bộ trưởng Vieira đã vui vẻ nhận lời.

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại phòng làm việc, Cố vấn Đối ngoại của Tổng thống Pháp, Emmanuel Bonne, bày tỏ quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Pháp-Việt Nam; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới.

Ngài cố vấn cho rằng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn nhiều không gian để phát triển hơn nữa; nhất trí hai bên cần triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Tự do Thương mại châu Âu-Việt nam (EVFTA); Pháp sẽ xem xét sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Hai bên nhất trí ủng hộ việc mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất năng lượng tái tạo; cùng ứng phó hiệu quả với các vấn đề khu vực và toàn cầu…

Gặp gỡ Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Valdis Dombrovskis, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Ủy ban châu Âu thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), tạo bước đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai bên; EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai cam kết trong khuôn khổ JETP để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

ttxvn-ec-1686297472.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, Valdis Dombrovskis. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của EU ở châu Á-Thái Bình Dương, đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác về thương mại-đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó chủ tịch EC ghi nhận đề nghị của Việt Nam về đẩy nhanh phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Hai bên bày tỏ hài lòng về những bước tiến tích cực trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU thời gian qua, nhất là lĩnh vực kinh tế; nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao; ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều đạt tăng trưởng tích cực.

Hai bên cũng trao đổi về mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như lao động, y dược.

Về Biển Đông, hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Gặp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada, Mary Ng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Canada tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Canada (như nông thuỷ hải sản, dệt may, da giầy, thép…)

ttxvn-canada-1686297471.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế Canada, Mary NG. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Hai bên nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác toàn diện, nhất là trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước, mở rộng hợp tác về chuyển đổi xanh, các chương trình của OECD, giáo dục đào tạo... trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023); tăng cường phối hợp và tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN-Canada, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).../.

Nguyễn Thu Hà

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/chuyen-lam-viec-thanh-cong-cua-bo-truong-bui-thanh-son-tai-phap-a10760.html