Cơ quan báo chí truyền thông: Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Để đạt được những kết quả đó, cơ quan báo chí truyền thông đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Khẳng định vai trò quan trọng của báo chí

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây có sự cải thiện khá tích cực. Sự cải thiện tích cực bắt đầu từ năm 2014, khi Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải thực hiện. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014-2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (từ 2019 - 2022) và Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

moi-truong20230620114108-1687340129.jpg
Môi trường đầu tư, kinh doanh có sự cải thiện tích cực nhờ công tác truyền thông Ảnh: Quang Hưng

Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện qua các bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu. Đầu năm 2023, theo công bố mới nhất của Economist Intelligence Unit (EIU) tại Báo cáo môi trường kinh doanh đo lường mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia hàng quý, sử dụng khung phân tích tiêu chuẩn với 91 chỉ số, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc và Ấn Độ tăng 6 bậc.

Tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022) được VCCI công bố vào tháng 4/2023 cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% vào năm 2022. Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi thấp ở mức kỷ lục với 38,72% thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên mức 42,7%. Qua đó cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể.

Trong tiến trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm qua, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Báo chí có vai trò quan trọng trong cải cách, mở cửa nền kinh tế nói chung và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng. Rất nhiều chính sách, pháp luật của nhà nước về môi trường đầu tư kinh doanh đã được các cơ quan báo chí phản ánh đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những bất cập trong điều hành cũng được doanh nghiệp phản ánh đến cơ quan chức năng thông qua các cơ quan báo chí. Với VCCI, báo chí không chỉ là diễn giả, là người tham dự sự kiện để truyền tải thông tin về các chủ trương, đường lối chính sách, mà còn là chủ thể quan trọng góp phần truyền tải thông điệp của sự kiện đến người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Giai đoạn mới, không thể thiếu sự đồng hành của báo chí

Hiện, Việt Nam có khoảng 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, những năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường không ngừng gia tăng. Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam đạt 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 30 - 50% tổng việc làm trong nền kinh tế và 98 - 99% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp dài hạn. Theo đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0…

Đặc biệt, bên cạnh gia tăng số lượng doanh nghiệp lên 1,5 triệu vào năm 2025, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho rằng, Việt Nam đang mong muốn hình thành một đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm, có khát vọng và có ý thức tuân thủ cao. Đồng thời, tạo ra tính công bằng cho tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp. Trong hành trình đó, không thể thiếu sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan báo chí.

Báo chí với sự nỗ lực của mình không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế mà còn giúp Việt Nam đạt được khát vọng thịnh vượng, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội 13 của Đảng đề ra.

Nguyễn Hòa

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/co-quan-bao-chi-truyen-thong-gop-phan-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-a11037.html