Đức dự kiến chi quốc tiêu quốc phòng kỷ lục trong năm 2024

Theo dự thảo Ngân sách Liên bang năm 2024, khoản vay ròng mới của Đức sẽ trị giá 16,6 tỷ euro (tương đương 18,1 tỷ USD) do chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đang lên kế hoạch cho Ngân sách Liên bang năm 2024, trong đó dự kiến bao gồm khoản vay ròng mới trị giá 16,6 tỷ euro (tương đương 18,1 tỷ USD) do chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục.

Kế hoạch tài chính đến năm 2027 cho thấy dự định vay mới của Đức đến thời điểm đó sẽ giảm xuống còn 15 tỷ euro, tuy nhiên ước tính kế hoạch ngân sách trung hạn của Đức vẫn thiếu hụt khoảng 14,4 tỷ euro trong bối cảnh Bộ trưởng Lindner đang tìm cách cân bằng giữa nghĩa vụ tài chính và nhu cầu chi tiêu của chính phủ.

ttxvn-binh-si-duc-1688439678.jpg
Binh sỹ Đức được điều động tới Litva tham gia sứ mệnh của NATO, tới sân bay Kaunas ở Karmelava. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Dự thảo Ngân sách 2024, Chính phủ Đức dự định chi 445,7 tỷ euro, giảm so với mức chi 476,3 được ước tính trong năm 2023, trong đó gồm 54,2 tỷ euro dành cho đầu tư.

Các nguồn thạo tin cho biết lãi suất vay vốn năm 2024 dự kiến vào khoảng 36,9 tỷ euro, ít hơn 3 tỷ euro so với mức dự kiến cho năm 2023.

Chính phủ Đức đã cam kết đến năm 2024 sẽ đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với 51,8 tỷ euro dự kiến dành riêng cho chi tiêu quốc phòng và 19,2 tỷ bổ sung quỹ ngân sách cho các lực lượng vũ trang.

Trước đó, Quốc hội Đức đã thông qua quyết định dỡ bỏ chính sách "phanh nợ" - một biện pháp hạn chế các khoản vay mới - nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với các tác động liên quan xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên năm nay, chính sách này đã được khôi phục trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu đối mặt nhiều khó khăn, theo đó khoản nợ mới trong năm 2023 dự kiến ở mức 45,6 tỷ euro.

Với chính sách "phanh nợ," Berlin đặt mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách năm 2024 ở mức tương đương 0,35% GDP.

Trong một tuyên bố hồi đầu tháng, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh chính sách "phanh nợ" có ý nghĩa quan trọng dựa trên một cơ sở kinh tế, rằng chính sách tài khóa và tiền tệ cần được kết hợp hài hòa để chống lạm phát và tránh trường hợp hai chính sách này bị mâu thuẫn.

Bộ Tài chính Đức đã đặt chủ trương kiểm soát chi tiêu trong ngân sách, sau quãng thời gian chi tiêu mạnh tay cho các mục tiêu phục hồi sau đại dịch và đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bộ Tài chính Đức đặt thời hạn đệ trình lên nội các chính phủ bản dự thảo đầu tiên của đề xuất kế hoạch tài chính và ngân sách liên bang năm 2024 là vào ngày 5/7 tới đây, sau khi trì hoãn hai lần vào tháng Ba và Sáu vừa qua.

Một bản dự thảo ngân sách chi tiết sẽ được gửi đến Hạ viện (Bundestag) Liên bang Đức muộn nhất vào giữa tháng Tám và đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể vào đầu tháng Chín.

Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết sẽ thông qua Dự luật Ngân sách 2024 vào cuối năm nay./.

Hoàng Châu

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/duc-du-kien-chi-quoc-tieu-quoc-phong-ky-luc-trong-nam-2024-a11532.html