Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng giáo dục mầm non là nền tảng then chốt vì vậy cần tập trung nguồn lực cho bậc học này trước khi triển khai chương trình mới.

Chiều nay (20/7), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non.

Thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm

Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) cho biết năm học 2022-2023, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực.

Số phòng học kiên cố tăng 1.430 phòng, phòng học tạm giảm 252 phòng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm và triển khai hiệu quả (giảm 1.249 điểm trường lẻ). Số trường chuẩn quốc gia bậc mầm non tăng 2,3%.

Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo. Tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1.86, tăng 0.02% so với năm học trước; giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm 87.3%, tăng 10.6%; trên chuẩn đạt 65.1%, tăng 7.2%; giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 12.7%, giảm 10.6%.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được được nhiều kết quả quan trọng, song giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Giáo dục - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”

ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đã trao đổi, thảo luận xung quanh các nhiệm vụ của giáo dục mầm non từ kinh nghiệm thực tiễn địa phương; trong đó vấn đề được nhiều địa phương quan tâm là giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương thông tin mặc dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non như giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng; tuy nhiên mức hỗ trợ và lương chi trả chưa đáp ứng được thù lao, công sức và sự vất vả của giáo viên nên việc thu hút nguồn nhân lực đầu vào đối với giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương kiến nghị Nhà nước tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo dục mầm non nhằm thu hút, khuyến khích học sinh học ngành sư phạm mầm non và thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Giáo dục - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực” (Hình 2).

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa.

Cũng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho hay: Toàn thành phố Hà Nội hiện có 2.557 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Khó khăn là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn đinh. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và tỉ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên còn thấp.

Bà Trần Lưu Hoa kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đồng thời tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.

Đẩy mạnh đầu tư Nhà nước cho giáo dục mầm non

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Nhìn lại môt năm học, điều đáng ghi nhận nhất là giáo dục mầm non đã được phục hồi một cách bình thường sau đại dịch Covid-19.

Nhìn nhận những khởi sắc, song theo Bộ trưởng tựu chung lại giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức, với từ khoá chính là “thiếu”: thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ… Và phân tích vì sao dẫn tới những cái thiếu này, Bộ trưởng cho rằng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”.

Giáo dục - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực” (Hình 3).

Hội nghị có sự tham gia các Sở GD&ĐT trên cả nước.

Từ phân tích này, Bộ trưởng khẳng định: Cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với giáo dục mầm non trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm giáo dục mầm non cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối giáo dục mầm non được quan tâm hơn. Với Bộ GD&ĐT, thời gian tới cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện. “Và chúng ta sẽ cho đó là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô”, Bộ trưởng nêu rõ.

“Chúng ra đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non - khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người - nhưng lại là bậc học có tỉ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hoá nhất.

“Không thể dùng xã hội hoá để thay cho Nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả 2 để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: Tự chúng ta phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc này. Thời gian tới cần tăng cường chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực. Kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non.

Trao đổi về chương trình giáo dục mầm non mới đang chuẩn bị bắt tay thí điểm, Bộ trưởng nêu quan điểm khó khăn hiện nay là từ “thiếu” thì cố gắng khi triển khai chương trình mới phải là từ “đủ”. Rút kinh nghiệm từ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới về việc chuẩn bị các nguồn lực, thông suốt từ xã hội, chia sẻ của phụ huynh, thử nghiệm, nhân rộng, rút kinh nghiệm thận trọng.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-noi-quan-tam-nhung-luc-bat-tong-tam-noi-co-dieu-kien-thi-tam-bat-tong-luc-a13425.html