Công nghệ hơn 10 năm tuổi của Tesla lợi hại ra sao mà "thu phục" cả Ford, Mercedes, GM?

Tesla có một công nghệ dùng suốt hơn một thập kỷ tưởng lạc hậu mà lại đủ mạnh khiến Ford, Mercedes và General Motors phải sử dụng.

Thứ tư tuần trước, Tesla công bố kết quả kinh doanh Quý II, cho thấy doanh số của hãng đạt kỷ lục mới kèm lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, doanh số lại không phải câu chuyện mà nhiều người quan tâm về Tesla ở thời điểm hiện tại.

Những người quan tâm tới cuộc chuyển đổi xe điện nói chung và người ủng hộ Tesla nói riêng đang chứng kiến những thay đổi bất ngờ ở Mỹ. Ngày 25/5, Ford thông báo sẽ trang bị chuẩn sạc của Tesla cho xe của mình; ngày 8/6, Tập đoàn General Motors cũng thông báo sẽ sử dụng chuẩn sạc của Tesla; ngày 7/6, Mercedes có thông báo cho kế hoạch tương tự với các xe bán tại Bắc Mỹ. Ngoài ra, nhiều thương hiệu khác cũng chung thông báo như Rivian hay Volvo và thương hiệu con Polestart.

Cho tới nay, Tesla đã sử dụng đầu sạc này hơn 10 năm và với tốc độ phát triển công nghệ thường thấy ngày nay, sẽ không có gì phi logic nếu có người đưa ra nhận định công nghệ của Tesla đã lỗi thời. Nhưng vì cớ gì ngành xe điện Mỹ lại sử dụng đầu sạc kiểu Tesla, và liệu nó có thực sự lỗi thời không?

Công nghệ hơn 10 năm tuổi của Tesla lợi hại ra sao mà "thu phục" cả Ford, Mercedes, GM? - Ảnh 1.

Một chiếc xe điện của Ford đỗ tại trạm sạc Supercharger của Tesla. Nguồn: Ford

Hơn cả số lượng lẫn chất lượng

Một trong những rào cản người tiêu dùng luôn nghĩ tới khi cân nhắc xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong chính là độ phủ của trạm sạc. Tất nhiên, quãng đường di chuyển mỗi lần sạc hay thời gian sạc cũng quan trọng, nhưng nếu độ phủ của trạm sạc không đủ rộng thì người dùng khó lòng sử dụng một chiếc xe điện làm phương tiện hàng ngày hoặc sử dụng để đi xa. Cũng cần lưu ý rằng các trạm sạc nhanh hoặc siêu nhanh có công suất lớn hơn sạc tại nhà, rút ngắn thời gian sạc.

Tại Mỹ, người sử dụng xe điện khi tìm các trạm sạc nhanh công cộng, họ có thể tìm đến 3600 cổng sạc của Electrify America, 2200 cổng của EVgo hay 1800 cổng của ChargePoint. Nhưng với riêng với người dùng Tesla, họ được tiếp cận tới 1600 trạm sạc Supercharger với hơn 17.000 cổng sạc. Tính gộp tất cả, Mỹ có khoảng 26.000 cổng sạc nhanh cho xe điện, riêng số của Tesla chiếm hơn 60%.

Công nghệ hơn 10 năm tuổi của Tesla lợi hại ra sao mà "thu phục" cả Ford, Mercedes, GM? - Ảnh 2.

Trạm sạc Supercharger của Tesla mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Nguồn: MotorTrend

Các trạm sạc của Tesla không chỉ chiếm ưu thế về số lượng, các trạm của Tesla còn mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn so với các trạm khác. Theo một khảo sát của J.D Power năm 2022, người dùng đánh giá mức độ hài lòng khi sử dụng trạm sạc của Tesla với số điểm 739 trên thang 1000 điểm.

Số điểm của Tesla tuy không đạt tuyệt đối nhưng cũng đã hơn mức trung bình (674 điểm) và hơn lần lượt các đối thủ là ChargePoint (644 điểm), Electrify America (614 điểm) và EVgo (573 điểm). Những điều có thể tác động tới trải nghiệm người dùng tại trạm sạc có thể nêu như tần suất gặp phải đầu sạc hỏng, hoặc đơn giản không thể kết nối với trạm sạc.

Khi trạm sạc của Tesla tốt hơn cả về chất lượng lẫn trải nghiệm mang lại, liệu có cách nào để người sử dụng xe không phải Tesla sử dụng trạm sạc của Tesla không?

CỤC DIỆN NGÀNH XE MỸ THAY ĐỔI

Ngày 11/11/2022, Tesla công bố bản thiết kế của cổng sạc của mình cho toàn thế giới, khởi đầu cho việc mở cửa các trạm sạc của mình cho xe từ các thương hiệu khác cùng sử dụng. Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, Tesla chính thức thử nghiệm cho phép các xe không phải Tesla sử dụng trạm sạc của mình tại một vài trạm sạc ở nhiều quốc gia.

Tới nay, một loạt các hãng xe lớn như Ford, General Motors, hay cả Mercedes đã công bố kế hoạch sử dụng cổng sạc của Tesla, giúp khách hàng của họ có thể tiếp cận với mạng lưới trạm sạc khổng lồ của Tesla.

Việc đầu sạc NACS của Tesla có mặt trên nhiều xe, theo nhận định của Wall Street Journal, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng - những người trước đây muốn thử dùng xe điện nhưng ngần ngại trước mạng lưới trạm sạc ít ỏi của chuẩn sạc CCS.

Công nghệ hơn 10 năm tuổi của Tesla lợi hại ra sao mà "thu phục" cả Ford, Mercedes, GM? - Ảnh 3.

Kích thước nhỏ gọn của đầu sạc NACS cũng giúp các xe Tesla có thiết kế cổng sạc tinh tế hơn.

Thời gian các hãng lắp đặt đầu sạc Tesla khác nhau, ví dụ như Ford là từ năm 2024. Tesla cũng đã phát triển đầu nối Magic Dock để giao tiếp với các xe không phải Tesla. Song, việc các xe không phải Tesla "tương thích"với trạm sạc Tesla tới đâu lại là một câu chuyện khác. "Tương thích" ở đây là nói tới việc liệu chiếc xe có thể tận dụng công suất sạc tối đa 250kW của trạm Supercharger hay không, bởi điều đó phụ thuộc hoàn toàn ở thiết kế hệ thống điện trên xe.

Kể từ năm 2025, các mẫu xe điện của Ford khi xuất xưởng sẽ trang bị đầu sạc NACS của Tesla. Một số hãng xe khác thì đang cân nhắc trang bị cả đầu sạc CCS hiện tại, lẫn đầu sạc NACS.

CÔNG NGHỆ CHỤC NĂM TUỔI MÀ KHÔNG LẠC HẬU

Để hiểu vì sao đầu sạc NACS của Tesla lại vượt trội so với đầu sạc CCS, ta cần nhìn vào cấu tạo của chúng. Trước tiên, đầu sạc CCS tại Mỹ là loại CCS1, gồm 2 phần: Nửa trên chính là đầu sạc chuẩn J1772 cho điện xoay chiều AC, nửa dưới để sử dụng tại các trạm sạc sử dụng điện một chiều DC. Chính vì thiết kế đặt thêm 2 lỗ cắm cho sạc DC mà loại sạc này có từ "combined", hay dịch thô là "gộp".

Công nghệ hơn 10 năm tuổi của Tesla lợi hại ra sao mà "thu phục" cả Ford, Mercedes, GM? - Ảnh 4.

Đầu sạc NACS của Tesla có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn nhiều so với đầu sạc CCS. Ảnh minh họa: Tesla

So với đầu sạc CCS1, đầu sạc của Tesla có thiết kế đơn giản hơn nhiều. Được giới thiệu lần đầu từ năm 2012 cùng với sedan hạng sang Tesla Model S, đầu sạc NACS của Tesla chỉ có 2 lỗ cắm dùng chung cho cả điện xoay chiều lẫn điện một chiều. Chính nhờ thiết kế đó mà đầu sạc NACS gọn nhẹ hơn so với CCS1.

Trong công bố cho phép sử dụng thiết kế đầu sạc NACS, Tesla cho rằng kích thước đầu sạc NACS dù chỉ bằng một nửa CCS nhưng mạnh gấp đôi, có thể sạc ở công suất 1 MW điện một chiều.

Tesla Model S Plaid là một trong các mẫu xe có khả năng sạc ấn tượng nhất của Tesla, có thể sạc 301km di chuyển sau 15 phút khi sử dụng trạm Supercharger của hãng

Các loại đầu sạc phổ biến trên thế giới

- J1772: Thường gặp tại Nhật, dùng cho điện xoay chiều AC; có tên gọi khác là Type 1 hoặc Type 1 J1772 ;

- CHAdeMO: Thường gặp tại Nhật, dùng cho điện một chiều DC; là tên viết tắt của Charge de Move ;

- CCS: Tên viết tắt của loại đầu sạc Combined Charging Standard , tạm dịch là Chuẩn sạc gộp ;

- CCS 1: Thường gặp tại Mỹ; có tên gọi khác là SAE Combo hoặc Combo 1 ; là đầu sạc J1772 nhưng có thêm 2 pin dùng cho điện một chiều;

- CCS 2: Là tiêu chuẩn tại châu Âu; có tên gọi khác là Combo 2 ; là đầu sạc Type 2 nhưng có thêm 2 pin dùng cho điện một chiều;

- GB/T: Là tiêu chuẩn tại Trung Quốc;

- NACS: Tên viết tắt của North America Charging Standard , tạm dịch là Chuẩn sạc Bắc Mỹ ; có tên gọi trước là Tesla Charging Connector ; là chuẩn sạc do Tesla thiết kế và sử dụng ở hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/cong-nghe-hon-10-nam-tuoi-cua-tesla-loi-hai-ra-sao-ma-thu-phuc-ca-ford-mercedes-gm-a14378.html