Đặt nguyện vọng thế nào với ngành trúng tuyển sớm?

Một số thí sinh, phụ huynh vẫn chưa biết nên đặt nguyện vọng xét tuyển sớm ở vị trí nào để đảm bảo trúng tuyển.

Nguyễn Trung, thí sinh ở Sóc Sơn (Hà Nội) đến Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 22/7 để tham dự ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023". Trong dòng người ken đặc lối đi giữa các gian tư vấn, Trung tìm đến trường Bách khoa để tìm hiểu về một số ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Nam sinh cho biết đã đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử của một trường đại học nhưng mong muốn lớn nhất là Bách khoa.

Đạt 25,75 tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), Trung lo ngại khó trúng tuyển vào nhóm Công nghệ thông tin bởi theo dự báo của trường, các ngành này có thể lấy điểm chuẩn từ 26 trở lên. "Em không biết có nên đặt nguyện vọng Bách khoa lên trước hay không? Liệu để nguyện vọng trúng tuyển sớm xuống dưới có bị ảnh hưởng quyền lợi không?", Trung nói.

Không chỉ thí sinh, một phụ huynh nói "con đã trúng tuyển sớm 15 trường nhưng vẫn thấy lo sợ". Người mẹ nghĩ rằng con có thể mất quyền lợi nếu không đặt các ngành xét tuyển sớm lên nguyện vọng 1.

Thí sinh tại ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sáng 22/7. Ảnh: Thanh Hằng

Thí sinh tại ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sáng 22/7. Ảnh: Thanh Hằng

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường đại học Phenikaa, nói nếu đã đỗ nhiều ngành, trường theo phương thức xét tuyển sớm mà chưa thật sự yêu thích, thí sinh có thể đặt những nguyện vọng này ở dưới, còn ở trên dành cho những ngành mong muốn nhất.

"Nếu nguyện vọng phía trên không đỗ, hệ thống sẽ tự động xét lần lượt các nguyện vọng xếp sau. Tới các ngành mà thí sinh đã trúng tuyển sớm, các em chắc chắn đỗ, nên phụ huynh hãy yên tâm", ông Khánh nhấn mạnh.

Một số phụ huynh, thí sinh lo trượt ngành đã trúng tuyển sớm khi đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, khẳng định điều này không xảy ra, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển sớm, đáp ứng đủ điều kiện đi kèm, đã đăng ký nguyện vọng này lên hệ thống và chưa trúng tuyển nguyện vọng nào ở phía trên.

"Trong trường hợp trên, nếu không được gọi nhập học, thí sinh có thể lầm đơn gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ xử lý", bà Thủy nói.

Thí sinh và phụ huynh nghe tư vấn tại sự kiện sang 22/7. Ảnh: xi

Thí sinh và phụ huynh nghe tư vấn tại sự kiện sáng 22/7. Ảnh: Thanh Hằng

TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, khuyên thí sinh đặt các nguyện vọng theo mức độ yêu thích và phù hợp. Trong đó, mong muốn vào ngành và trường nào nhất, các em đưa ngành và trường đó lên vị trí nguyện vọng cao nhất, ngay cả khi điểm xét tuyển của mình thấp hơn so với mức điểm chuẩn năm trước.

"Đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng đầu, nếu không đỗ vẫn được xét các nguyện vọng sau. Nhưng nếu không đăng ký, thí sinh sẽ không bao giờ trúng tuyển", ông Hà nói.

Ở những nguyện vọng cuối cùng, thí sinh nên để các ngành và trường ít yêu thích hơn và điểm chuẩn các năm trước ở mức vừa phải so với điểm thi của mình để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Ông nhấn mạnh thí sinh không nên "đặt thử" một ngành có điểm chuẩn những năm trước rất cao lên trên ngành yêu thích nhất chỉ để xem có trúng tuyển không.

"Nếu làm như vậy, khi trúng tuyển thật, thí sinh không thể nhập học vào ngành mong muốn nhất", ông Hà nói.

Thí sinh được đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng số lần không giới hạn trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 17h ngày 30/7.

Tìm trường, ngành gần với điểm thi

Thanh Hằng - Dương Tâm

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dat-nguyen-vong-the-nao-voi-nganh-trung-tuyen-som-a14472.html