Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam, Thái Lan cao nhất trong hơn một thập kỷ

Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trong tuần này, do hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng chủ lực này.

Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam, Thái Lan cao nhất trong hơn một thập kỷ - Ảnh 1.

Gạo Việt Nam trên kệ hàng của Carrefour ở Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/PV TTXVN tại Pháp

Thị trường gạo châu Á

Ấn Độ đã ra lệnh tạm dừng loại gạo có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào tuần trước để bình ổn giá gạo trong nước, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần gần đây do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất.  Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 - 575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011, từ mức 515 - 525 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các nhà xuất khẩu dự đoán giá gạo sẽ tăng hơn nữa sau động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, và do đó, rất rủi ro nếu họ ký hợp đồng xuất khẩu mới lúc này”.

Trong khi đó, ngày 27/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong 11 năm, ở mức 605-610 USD/tấn so với mức giá 545 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết: "Các nhà xuất khẩu đã bị sốc vì lệnh cấm đẩy giá lên cao và cũng không có thêm nguồn cung".

Lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo của Ấn Độ lên cao nhất trong 5 năm rưỡi, ở mức 445-450 USD/tấn so với 421-428 USD/tấn vào tuần trước, ngay cả khi nhu cầu giảm.

Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3%/tháng do mưa gió mùa kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng. Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết: "Nhu cầu giảm do sự không chắc chắn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thận trọng và không bán".

Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết, nước láng giềng Bangladesh, vốn cũng đang phải vật lộn để hạ nhiệt giá lương thực tại thị trường trong nước, không có kế hoạch nhập khẩu ngũ cốc vì năng suất và dự trữ vẫn tốt.

Thị trường cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều đi xuống. Giá cà phê Robusta giao kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 85 USD, xuống 2.588 USD/tấn và loại có kỳ hạn giao tháng 11/2023 giảm 62 USD, còn 2.437 USD/ tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York (Mỹ) tiếp tục sụt giảm. Loại cà phê Arabica giao tháng 9/2023 giảm thêm 3,55 xu Mỹ, xuống 157,90 xu/lb và loại có kỳ hạn giao tháng 12/2023 giảm thêm 3,50 xu, xuống còn 158,20 xu/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).

Giá cà phê hai sàn đồng loạt lao dốc phiên cuối tuần do sự cân đối, dịch chuyển dòng vốn của các quỹ và đầu cơ sau áp lực của lãi suất tiền tệ. Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên ở mức 3,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2000, do lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn cao dai dẳng.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/gia-gao-xuat-khau-tu-viet-nam-thai-lan-cao-nhat-trong-hon-mot-thap-ky-a15372.html