Hai đại học đột ngột dừng tuyển sinh ngành sư phạm

Thanh HóaHai trường đại học thông báo tuyển gần 1.400 sinh viên sư phạm song đột ngột dừng, chỉ nửa ngày trước hạn chót đăng ký xét tuyển đại học.

Sáng 30/7, hơn 1.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm ở trường Đại học Hồng Đức bất ngờ nhận được "thông báo hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng" từ bộ phận tuyển sinh.

Trường cho biết chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định số 116/2020. Do đó, trường đề nghị thí sinh có nguyện vọng theo ngành đào tạo giáo viên cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng sang các cơ sở giáo dục đại học khác.

Cùng ngày, trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát đi thông báo tương tự.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17h ngày 30/7 là hạn cuối để thí sinh đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Việc các trường đưa ra thay đổi sát nút khiến nhiều phụ huynh và học sinh "không kịp trở tay", đặc biệt với các môn phải thi thêm bài năng khiếu.

Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Lê Hoàng

Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Lê Hoàng

"Khi biết tin, em vội vã chuyển hướng sang đăng ký vào Đại học Sư phạm Hà Nội và may mắn kịp thời gian giới hạn", một nữ sinh ở Mường Lát, nói. Trước đó, nữ sinh này đăng ký xét tuyển ngành sư phạm Ngữ văn tại Đại học Hồng Đức với mong muốn "gần nhà, đỡ tốn kém chi phí cho gia đình".

Một phụ huynh khác ở huyện Hậu Lộc bức xúc vì con mình phải chuyển từ ngành sư phạm thể chất sang học kế toán vì "không còn lựa chọn nào khác". Lý do, theo phụ huynh này là các trường đại học khác không chấp nhận kết quả thi năng khiếu ở trường Đại học Hồng Đức. Nếu không chuyển ngành kịp, nhiều thí sinh sẽ lỡ đợt xét tuyển đại học năm nay.

Trả lời VnEpxress trưa 31/7, PGS.TS Đậu Bá Thìn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, cho hay trường đã xây dựng đề án tuyển sinh, chỉ tiêu dự kiến, phương thức tuyển... và được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hơn 1.000 chỉ tiêu cho 14 ngành sư phạm (nhiều nhất là cấp tiểu học, mầm non). Số chỉ tiêu này được tính toán dựa vào năng lực đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của địa phương.

Sau đó, trường gửi văn bản đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ. Nội dung chính của Nghị định này là việc đào tạo giáo viên phải theo "đặt hàng" và ngân sách của địa phương.

Tuy nhiên, đến ngày 29/7, đề xuất này chưa được phê duyệt nên trường buộc phải thông báo để thí sinh biết và thay đổi nguyện vọng cho phù hợp. Theo ông Thìn, trường đã cố gắng tư vấn, hỗ trợ thí sinh việc này.

Ông Thìn nói thêm rằng nếu không được tuyển sinh thì đây là năm đầu tiên trong lịch sử hơn 25 năm trường phải ngừng đào tạo hệ sư phạm. "Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giảng dạy, kinh phí hoạt động của nhà trường", ông Thìn nói.

Về hướng để người học tự chi trả học phí để theo các ngành sư phạm, ông Thìn cho hay việc này sai quy định và "không được phép".

Bà Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, xác nhận nhà trường cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bà nói tỉnh Thanh Hóa đang rất thiếu giáo viên, người học cũng có nhu cầu và trường cũng công bố chỉ tiêu tuyển sinh cho 6 ngành sư phạm (gần 350) nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

"Trường cứ chờ đến phút chót nhưng vẫn không có nên buộc phải ra thông báo ngưng tuyển sinh", bà Hà cho biết. Bà đánh giá việc này là "tổn thất lớn" cho các trường.

Thanh Hóa hiện là một trong hai địa phương thiếu giáo viên nhất cả nước. Tính đến hết năm học qua, tỉnh này thiếu hơn 10.000 giáo viên ở các cấp học.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Đầu Thanh Tùng cho hay lý do tỉnh chưa "đặt hàng" đào tạo sư phạm với hai đại học trực thuộc là "do các sở ngành liên quan chưa thống nhất ý kiến". Ông Tùng cho biết, ngay chiều nay, tỉnh sẽ họp để nghe ý kiến và tìm phương án xử lý phù hợp.

Một góc trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng

Một góc trường Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng

Nghị định 116 từng được coi là chính sách đột phá để thu hút sinh viên theo nghề sư phạm. Các tỉnh sẽ căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách để giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với trường đào tạo giáo viên. Những sinh viên theo diện này được địa phương chi trả học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng một tháng. Các em không phải bồi hoàn nếu làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp, không bị ràng buộc về địa điểm làm việc.

Tuy nhiên, đây cũng là vướng mắc khiến gần 40/63 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên hồi đầu năm học 2022, trong khi tỉnh nào cũng kêu thiếu người.

"Các tỉnh bỏ tiền đầu tư cho sinh viên, nhưng lại không có quyền đảm bảo em đó về địa phương làm việc. Đây là lý do các tỉnh dè dặt trong việc đặt hàng", hiệu trưởng một trường đào tạo sư phạm trả lời VnEpxress hồi cuối năm ngoái.

Trước mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đào tạo giáo viên như Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Sư phạm Hà Nội 2, Đại học An Giang cũng bị cắt giảm chỉ tiêu vì lý do "không có đặt hàng". Trong số này, có trường bị giảm tới 65% chỉ tiêu dự kiến.

'Thanh Hóa thiếu giáo viên nhất cả nước'

Lê Hoàng

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/hai-dai-hoc-dot-ngot-dung-tuyen-sinh-nganh-su-pham-a15692.html