Bộ Giáo dục có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa?

Việc có cần thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa hay không vẫn được đặt ra sau 4 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vấn đề được nêu tại Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 2/8.

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội về việc này nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện được việc này. Sau đó, Quốc hội đồng ý nếu mỗi môn học đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không dùng ngân sách để biên soạn sách giáo khoa của môn đó nữa.

Từ năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa mới bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có ít nhất ba bộ sách giáo khoa để các nhà trường, phụ huynh chọn lựa. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đã thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa là đúng đắn nhưng việc thực hiện không theo kịp chủ trương. Bà cho hay vì nhiều nguyên nhân, học sinh vẫn có lối học tập theo kiểu rập khuôn, máy móc. Bộ sách giáo khoa mới được hứa hẹn sẽ khắc phục chuyện này, song học sinh vẫn phải học, chép và thi như văn mẫu.

Theo bà Doan, mọi quốc gia nếu muốn đi lên đều phải xuất phát từ giáo dục. Bà đề nghị Quốc hội có những chuyên đề bàn sâu về giáo dục và thành lập hội đồng gồm những người uy tín đánh giá lại các bộ sách giáo khoa.

"Nếu giống nhau đến hơn 90% rồi thì không cần thiết xây dựng bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa", bà nói.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: Hoàng Phong

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: Hoàng Phong

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ, Pháp luật của Ủy ban, lại có quan điểm khác. Theo ông, xã hội hóa giáo dục không có nghĩa nhà nước rút dần vai trò ở lĩnh vực này, thay vào đó cần đầu tư, giám sát chặt chẽ hơn.

Ông nhận định việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông triển khai nhiều năm nhưng còn lúng túng, nên đề nghị Quốc hội tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục.

"Không nên xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà Nhà nước nên đầu tư để có bộ sách giáo khoa chuẩn cho học sinh", ông đề xuất.

Cách đây một tuần, vấn đề này từng được đặt ra tại cuộc làm việc của đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị đoàn giám sát phải làm rõ căn cứ cho thấy cần Bộ biên soạn một bộ sách. Ông cho rằng việc thay sách đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.

Sơn Hà

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/bo-giao-duc-co-nen-bien-soan-them-mot-bo-sach-giao-khoa-a16153.html