OPEC+ siết nguồn cung dầu thô, Việt Nam có chịu ảnh hưởng?

Động thái cắt giảm sản lượng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đặc biệt là Saudi Arabia đang làm gia tăng lo ngại thâm hụt trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng cần tăng cường theo dõi, đánh giá biến động thị trường, chủ động đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước.

Rủi ro thâm hụt thúc đẩy giá dầu thế giới

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 09/08, giá dầu WTI tăng 1,78% lên mức 84,4 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,60% lên mức 87,55 USD/thùng. Dầu thô đã ghi nhận 6 tuần tăng giá liên tiếp tính đến ngày 06/08, chuỗi tăng theo tuần dài nhất kể từ cuối năm ngoái. So với mức đáy cuối tháng 6, giá dầu đã tăng khoảng 23% và đang được giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

OPEC+ siết nguồn cung dầu thô, Việt Nam có chịu ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia đã tuyên bố gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 09, sau khi cắt giảm vào tháng 07 và tháng 08. Như vậy, tổng mức cắt giảm của thủ lĩnh nhóm OPEC+ lên tới con số 2 triệu thùng/ngày tính từ kế hoạch thắt chặt tháng 10/2022, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới.

Các quốc gia khác trong khối tiếp tục duy trì mức hạn ngạch cắt giảm vào cuối năm ngoái. Trong khi đó, Nga thông báo sẽ giảm xuất khẩu thêm 300.000 thùng/ngày vào tháng 09, sau khi giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 08.

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành ngày 08/08 cho biết thị trường dầu sẽ thâm hụt khoảng 640.000 thùng/ngày trong quý III và 120.000 thùng/ngày trong quý IV.

Theo MXV, rủi ro về nguồn cung thắt chặt, đặc biệt từ khu vực Trung Đông hiện đang là tâm điểm đối với xu hướng giá dầu thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu một phần dầu thô từ khu vực này nhằm phục vụ cho hoạt động lọc dầu trong nước, nên sẽ chịu một số ảnh hưởng nhất định.

Tác động tới thị trường nội địa

Để phù hợp với công nghệ lọc dầu tại hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, Việt Nam nhập khẩu một lượng dầu thô nhằm chế biến thành các nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu nội địa.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 1,21 triệu tấn dầu thô trong tháng 7, tăng 24,5% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng đầu năm nay, tổng lượng nhập khẩu đạt gần 7 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tăng 9% về kim ngạch do mặt bằng giá dầu nửa đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

OPEC+ siết nguồn cung dầu thô, Việt Nam có chịu ảnh hưởng? - Ảnh 2.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “Khoảng 70% lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam đến từ Kuwait, một thành viên của nhóm OPEC+. Tổng mức cắt giảm của quốc gia này khoảng 263.000 thùng/ngày tính từ kế hoạch tháng 10 năm ngoái, bao gồm cắt giảm tự nguyện. Mặc dù con số không quá lớn so với thủ lĩnh nhóm OPEC+, nhưng sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia cũng sẽ khiến nguồn cung của các quốc gia trong khu vực cạnh tranh hơn”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, chủ yếu từ Hàn Quốc với 36 - 37% cơ cấu, Singapore với khoảng 16%. Trong khi đó, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Saudi Arabia, chiếm thị phần hơn 33%, và Saudi cũng là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 cho Singapore.

Do vậy, rủi ro nguồn cung thắt chặt cũng sẽ tác động nhất định tới chi phí thành phẩm xăng dầu và hoạt động thương mại nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhằm điều tiết thị trường xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả trước biến động giá dầu thế giới, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường các biện pháp đảm bảo nguồn cung ứng, và bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực. Về trung và dài hạn, điều này đang mở ra cơ hội chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu nội địa.

Tín hiệu tích cực trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Xu hướng rõ ràng trong cơ cấu nguồn cung xăng dầu của Việt Nam giai đoạn qua là việc tăng cường sản xuất trong nước và giảm tỷ lệ nhập khẩu. Nguồn cung từ sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng cả nước, cao hơn nhiều so với các năm trước.

OPEC+ siết nguồn cung dầu thô, Việt Nam có chịu ảnh hưởng? - Ảnh 3.

Báo cáo từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho thấy sản lượng khai thác dầu thô đạt 2,7 triệu tấn trong quý II năm 2023, tăng 3,8% so với quý I và tăng 0,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu thô 5,3 triệu tấn, vượt 14,3% so với kế hoạch.

Triển vọng ngành dầu khí 6 tháng cuối năm cũng kỳ vọng tăng trưởng các khoản đầu tư từ việc khởi động các dự án dầu khí mới.

Về nỗ lực dài hạn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một bước tiến lớn trong việc đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng quốc gia.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển hạ tầng để đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng. Cụ thể với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng; xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, và dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.

Tín hiệu tích cực này sẽ góp phần cung ứng xăng dầu đầy đủ, an toàn, liên tục nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu một số mức độ rủi ro trên thị trường quốc tế.

“Trong giai đoạn cuối năm nay, xu hướng giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức giá cao hơn so với mức trung bình nửa đầu năm, khi OPEC+ siết chặt van bơm dầu. Đà tăng giá được dự báo sẽ không còn quá mạnh như 2 tháng qua, do yếu tố bất ngờ giảm bớt, và sức ép tăng trưởng từ các nền kinh tế lớn vẫn còn là một rủi ro tiềm ẩn.”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.

Hiện tại, nỗ lực kiểm soát giá, đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước đang có tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, việc bám sát các động thái mới về nguồn cung dầu thế giới và bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn sẽ là nhiệm vụ tất yếu.


Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/opec-siet-nguon-cung-dau-tho-viet-nam-co-chiu-anh-huong-a17782.html