Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đồng chủ trì hội nghị.
Thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng có diện tích tự nhiên 95,86 nghìn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế...
Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối lành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định 824 ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Theo đó, Hội đồng điều phối vùng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch thường trực. Các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng các Bộ: Công Thương; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hội đồng điều phối vùng có 14 nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Đồng thời, điều phối các hoạt động trong công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng.
Ngoài ra, còn điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kế cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, đề xuất việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng…
Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đã ra mắt tại hội nghị.
Nhiều việc cần làm trong thời gian tới
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày kế hoạch công tác của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ 6 tháng cuối năm. Đại diện các bộ, ngành, địa phương… đã có nhiều tham luận đưa ra các giải pháp, nội dung mà vùng cần thực hiện trong thời gian tới ở các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ thông tin, văn hóa xã hội, du lịch, chuyển đổi số…
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần, cách thức làm việc của hội nghị. Tại đây, các đại biểu đã có sự trao đổi thẳng thắn các nội dung đến công việc chung của vùng, lợi ích của đất nước trong tổng thể chiến lược quốc gia.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng bắt tay thực hiện công việc, phải xác định được cơ chế làm việc của vùng để mang lại kết quả và có hiệu quả nhất. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông lập cơ sở dữ liệu của vùng để trao đổi, chia sẻ thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong vùng.
Hiện nay, vùng khá rộng lớn nên trong trong cuộc họp tới cần họp bàn về việc chia thành các tiểu vùng. Việc này có thể dựa vào địa lý và mối quan hệ để đưa ra các sản phẩm chiến lược, các tiềm năng, lợi thế, việc tối ưu vấn đề kết nối... Còn Hội đồng điều phối vùng sẽ làm việc về các vấn đề chung của toàn vùng.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương đưa ra tại hội nghị. Trong đó, tập trung tái cấu trúc để tạo sự kết nối liên thông hỗ trợ lẫn nhau, phát huy lợi thế của nhau và giảm vấn đề xung đột. Ông kêu gọi việc xây dựng các quyết định về quy hoạch vùng; xác định lợi thế, sản phẩm của các địa phương trong vùng và tiểu vùng.
Quy hoạch về kết nối giao thông vận tải hết sức quan trọng, ông đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cần xác định quy hoạch định hình đến sự phát triển vùng. Trong đó, quy hoạch giao thông vận tải định hướng cho sự phát triển các khu công nghiệp, các loại hình công nghiệp…
Bên cạnh đó, xem xét điều tiết của Nhà nước liên quan đến đầu tư và tăng trưởng để các lợi ích quốc gia được phân bổ một cách đúng đắn và công bằng. Các vấn đề quy hoạch về giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, năng lượng… cũng cần phải tính toán hợp lý, cụ thể trong vùng.
Việc đầu tư công trung hạn, các thủ tục hành chính còn nhiều vấn đề liên quan nên Phó Thủ tướng mong muốn Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính có một cơ chế chính sách cho vùng để việc thực hiện các công việc được thông suốt. Vì vậy, cần phải hình thành quỹ của vùng để thực hiện các công việc, dự án.
Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số việc mà các bộ, ngành, địa phương cần phải làm ngay sau hội nghị này. Trong đó, phải có cơ chế để giải quyết các khó khăn chung; cùng góp ý quy hoạch vùng với cách tiếp cận tổng thể và mới mẻ…
Châu Tường
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ra-mat-hoi-dong-dieu-phoi-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-a18166.html