Lương thực vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tác động của El Nino, lạm phát thế giới tăng cao, giá gạo thế giới lại tăng lên từng ngày khi việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; và mới đây nhất là Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Trước tình hình giá gạo thế giới tăng mạnh, Việt Nam cần chớp thời cơ ra sao và vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia? Ngành lúa gạo trong nước cần có chiến lược như thế nào trước những biến động liên tục của thị trường hiện nay và thời gian tới?
Lo ngại về tình hình khô hạn do hiện tượng El Nino ở các nước châu Á sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất lúa gạo, và tình hình lạm phát tăng cao khiến nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều nước tăng mạnh. Gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân châu Á. Vì thế, những ngày qua, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường của Ấn Độ (nước cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường thế giới) đã khiến người Ấn Độ và cộng đồng các nước châu Á khác đã đổ xô đi mua gạo dự trữ. Ngay sau đó, UAE cũng có lệnh dừng xuất khẩu gạo khiến giá gạo đang nóng lên từng ngày.
Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, nguồn cung gạo năm nay của nước ta khá dồi dào, theo kế hoạch, năm 2023 cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha. Qua kiểm tra ở Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL, lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, nếu không có thiên tai, dịch bệnh bất thường trên diện rộng thì vụ mùa này sẽ là một năm được mùa kỷ lục.
Vụ lúa Thu Đông, Cục Trồng trọt cũng chỉ đạo trồng thêm 50.000ha lúa. Còn về ứng phó với hiện tượng El Nino, chúng ta đã có kinh nghiệm và giải pháp ứng phó nên thiệt hại sẽ giảm. Vì vậy, theo ông Nguyễn Như Cường, nước ta hoàn toàn tự tin chớp thời cơ về giá để tăng cường xuất khẩu gạo và vẫn đảm bảo hoàn toàn về an ninh lương thực trong nước.
“Năm 2022, sản lượng gạo của Việt Nam đạt 42,7 triệu tấn song vẫn xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo. Như năm nay Việt Nam sản xuất được trên 43,2 triệu tấn đương nhiên sẽ xuất khẩu vượt kỷ lục của năm ngoái. Giá cả sẽ có sự gia tăng nhất định nhưng với mức dự trữ quốc gia hiện nay, về phần cung là không ảnh hưởng”, ông Cường khẳng định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đã có bài học năm 2008 khi giá gạo tăng rất cao nhưng Việt Nam lại cấm xuất khẩu nên lỡ mất cơ hội. Vì có thể Ấn Độ sau khi ổn định tình hình, giá gạo trong nước sẽ quay trở lại thị trường, khi đó giá gạo sẽ giảm. Do đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là cơ hội tốt cho các DN xuất khẩu Việt Nam.
“Đây là 1 tín hiệu rất khả quan để các DN xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thương nhân cũng phải có những tính toán và những công cụ để phòng ngừa rủi ro, trong đó có những rủi ro về giá và rủi ro về hợp đồng”, ông Hải nói.
Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn thóc, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu dân, chế biến, làm giống, chăn nuôi thì hoàn toàn đảm bảo việc xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỉ USD.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo các nước những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng, và trong tương lai, gạo chất lượng cao sẽ có nhu cầu ở rất nhiều thị trường. Vì vậy, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam cần tập trung sản xuất gạo chất lượng và xây dựng thương hiệu để luôn đạt giá trị cao khi xuất khẩu.
“Nhu cầu gạo của thị trường thế giới rất cao chính là thế mạnh để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Chất lượng là yếu tố quyết định đến uy tín cũng như thương hiệu của Việt Nam, do đó các DN phải xây dựng sản phẩm đạt chất lượng, cũng như mang lại thương hiệu ở thị trường nhập khẩu”, ông Hòa lưu ý.
Về lâu dài, ngành lúa gạo trong nước tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí để tăng lợi nhuận và phát triển bền vững, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.