Theo cử tri tỉnh Đồng Nai phản ánh, hiện nay nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu, mức giá như hiện tại còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí chiếm tỉ lệ cao trong giá xăng, dầu.
Cử tri kiến nghị giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu, để giá xăng, dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hiện nay được thực hiện theo Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 với nguyên tắc cơ bản là “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.
Hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì điều hành giá bán xăng dầu, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay các sắc thuế áp dụng đối với xăng dầu gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.
Về thuế nhập khẩu, đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện theo các cam kết quốc tế trong khuôn khổ một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước.
Trong đó, hiện hành mức thuế suất trong khuôn khổ FTA giữa Asean - Hàn Quốc và Việt Nam - Hàn Quốc là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu.
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN), để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu nhập khẩu cho thị trường trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 51/2022 về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
Ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 26/2023 điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng etanol để phối trộn xăng sinh học và một số nguyên liệu đầu vào sản xuất xăng, dầu và các chế phẩm thay thế cho xăng.
Việc điều chỉnh này kỳ vọng sẽ giúp hạ giá thành xăng sản xuất trong nước. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu Việt Nam tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn, trong bối cảnh giá xăng dầu có thể diễn biến phức tạp trong tương lai.
Về thuế VAT, pháp luật thuế VAT không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Đồng thời quy định ba mức thuế 0%, 5%, 10% áp dụng cho các đối tượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT. Hiện xăng dầu đang chịu thuế VAT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB số 70/2014 thì thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng là 10%, xăng E5 là 8% và E10 là 7%. Việt Nam hiện không quy định thu thuế TTĐB đối với dầu.
Ngoài ra, thuế TTĐB với xăng sinh học được quy định thấp hơn xăng khoáng nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo vệ môi trường.
Đối với mặt hàng xăng, thuế suất thuế TTĐB của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước.
Về thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cuối năm 2022, trên cơ sở đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách giảm thuế BVMT theo Nghị quyết 18/2022 của UB Thường vụ Quốc hội.
Trước bối cảnh giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục biến động khó lường, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính đã nghiên cứu trình Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước trên thế giới, hiện nay tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam thấp hơn mức bình quân chung.
Đối với nhiều quốc gia, tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu 45%-60% trong khi ở Việt Nam 20%-21% và đối với dầu khoảng 10%- 11%. Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng nhiên liệu tại Việt Nam hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung.
Đơn cử, tại kỳ điều chỉnh ngày 11/7/2023, giá xăng E5 bán ra trên thị trường là 20.410 đồng/lít, xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít, thấp hơn với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (30.649 đồng/lít).
Việc đặt vấn đề tiếp tục điều chỉnh giảm thuế với xăng dầu sẽ có những ảnh hưởng đến số thu Ngân sách trong khi cân đối ngân sách còn khó khăn. Nhu cầu chi ngân sách để thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo là rất lớn.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế đối với xăng dầu trong thời gian tới góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
T.M
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/bo-tai-chinh-tra-loi-kien-nghi-giam-thue-phi-xang-dau-a18614.html