Giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sau hơn 1 tháng thực hiện tăng lương cơ sở, thực tế tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu tăng so với trước. Một số mặt hàng tăng giá còn do tác động của yếu tố thời vụ, thời tiết cũng như nguồn cung và dịch vụ vận chuyển.
Giá rau củ quả tăng do thời tiết
Thực tế ngày 16/8 tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Châu Long, chợ Hôm, chợ Thái Hà, Thành Công,… cho thấy, các loại rau truyền thống giá bán không có nhiều biến động như rau muống từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; súp lơ xanh từ 32.000 - 35.000 đồng/kg; cải chíp từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; hành lá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg; cà chua có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg…
Tuy nhiên các loại rau củ quả theo mùa như rau ngót đã tăng từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/mớ so với tuần trước; bắp cải từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; rau mùng tơi từ tăng từ 6.000 lên 9.000 đồng/mớ; mướp hương tăng từ 18.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg; bí xanh tuần trước chỉ 10.000 đồng/kg nay đã lên 15.000 đồng/kg,…
Chị Nguyễn Thu Hà, tiểu thương chuyên bán rau ở chợ Hôm Hà Nội cho biết, từ tuần trước mưa kéo dài ở nhiều vùng trồng khiến rau bị dập nát, giảm sản lượng người dân khó thu hoạch nên nguồn cung không ổn định làm giá bán tăng cao. “Không hẳn tăng lương mà rau của quả tăng giá. Năm nào vào mùa này mưa nhiều giá rau củ quả cũng biến động, nhưng thường có tăng song lại giảm trong 1 khoảng thời gian ngắn không duy trì lâu dài. Tiểu thương không tự trồng được rau quả, phụ thuộc hoàn toàn vào bên cung cấp nên giá cả phải theo người ta”, chị Hà phân trần.
Nguyên nhân một số loại rau củ quả tăng giá mỗi khi trời mưa, bão từ nhiều năm nay đều đã được các tiểu thương và người tiêu dùng biết trước. Trong tình cảnh này, các tiểu thương cũng cân nhắc việc nhập số lượng cũng như giảm sự đa dạng của chủng loại rau củ quả, người tiêu dùng tính toán mua loại rau quả nào cho phù hợp.
Như qua điểm của bà Phùng Thị Thu ở Tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), những ngày mưa dầm bão gió, người mua cũng ngại đến chợ nói gì đến những người trồng và bán rau. Họ rất vất vả để phục vụ nên giá tăng chút cũng là điều dễ hiểu. “Kinh nghiệm là mua rau củ quả ăn theo ngày, không nên để tích trữ vừa đổi khẩu vị, không bị giảm độ tươi ngon lại giúp hàng hóa ở chợ được lưu thông, không tồn đọng”, bà Thu nói.
Thịt, trứng gia cầm tăng khi cầu tăng đột biến
Không chỉ một số loại rau củ quả tăng giá nhẹ, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ dân sinh cũng có biến động tăng không lớn. Giá thịt lợn dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg, phân loại cho thịt mông sấn giữ giá 100.000 đồng/kg, chân giò 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với tuần trước. Sườn non tăng 10.000 đồng lên 140.000 đồng/kg; thịt ba chỉ tăng 7.000 đồng lên 120.000 - 130.000 đồng/kg; nạc vai tăng 12.000 đồng lên 110.000 đồng/kg…
Đáng chú ý là giá thịt bò đã tăng 14.000 đồng tùy loại lên mức dao động trong khoảng 210.000 - 270.000 đồng/kg. Giá thịt gia cầm tăng trung bình 10.000 đồng/kg như gà lông đang có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg; vịt thịt tăng 20.000 đồng/kg lên mức 50.000 - 70.000 đồng/kg; trứng gà ta trước có giá 28.000 - 30.000 đồng/chục nhưng nay tăng lên từ 32.000 – 35.000 đồng/chục.
Nhiều tiểu thương cho biết, giá thịt gia cầm có tăng do việc tái đàn của các trang trại khá chậm, trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao, do đó nhiều khả năng mặt hàng này còn neo ở mức cao từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, giá trứng dịp này tăng một phần do nhu cầu về trứng nguyên liệu của các cơ sở sản xuất bánh Trung Thu đang tăng rất cao.
Ngoài rau xanh và thực phẩm, giá mặt hàng gạo những ngày qua đang được chú ý khi có biến động tăng rõ rệt, hầu hết các loại gạo đều tăng giá khoảng 10%. Hôm nay, giá gạo ST25 tại các cửa hàng ở Hà Nội đang có giá 28.000-30.000 đồng/kg; gạo tám xoan Hải Hậu tăng 4.000 đồng lên 19.000-20.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên bán với giá 18.000-20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng so với trước; gạo Bắc Thơm tăng 3.000 đồng lên 17.000 đồng/kg...
Theo các chủ cơ sở bán gạo trên địa bàn TP Hà Nội, giá gạo nhập từ các đầu mối những ngày qua đã tăng nên các cửa hàng nhỏ lẻ chỉ dám nhập cầm chừng, vừa để nghe ngóng diễn biến thị trường, vừa không thể tự ý tăng giá quá cao để giữ chân khách hàng.
Có thể thấy, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội đang có dấu hiệu tăng. Ngoài các yếu tố khách quan như thời tiết bất lợi, xu hướng tiêu dùng và nhu cầu tăng đột biến, vẫn cần xem xét việc có hay không khả năng một vài bộ phận, tầng nấc trung gian lợi dụng tình hình để tăng giá bất chính. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát quá trình lưu thông hàng hóa, nhất là kiểm soát mặt bằng giá cả từ nay đến cuối năm, tránh tác động tiêu cực đến chỉ số lạm phát.